x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

APROMACO THAM DỰ HỘI THẢO “CHIA SẺ KINH NGHIỆM VẬN HÀNH VÀ BẢO DƯỠNG DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT PHÂN BÓN” DO HIỆP HỘI PHÂN BÓN VIỆT NAM TỔ CHỨC

Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh đầu tư sản xuất trong nước để dần thay thế nhập khẩu phân bón nhằm cung ứng ổn định đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, trong khoảng 20 năm trở lại đây, công nghiệp sản xuất phân bón vô cơ ở nước ta có bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc.

image003

TS Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam khai mạc hội thảo

Theo thông tin từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện tại, cả nước có 4 Nhà máy sản xuất urea, 3 Nhà máy sản xuất DAP, 4 Nhà máy sản xuất supe lân, 3 Nhà máy lân nung chảy và khoảng 800 Nhà máy sản xuất NPK,… Với lực lượng sản xuất được tăng cường, từ một nước phải nhập khẩu hầu hết các loại phân bón, nước ta đã sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu một số sản phẩm ra thị trường quốc tế. Năm 2020, 2021 Việt nam sản xuất được khoảng 7 triệu tấn phân bón vô cơ. Sản lượng phân bón xuất khẩu có xu hướng tăng qua các năm, năm 2020 xuất khẩu 1,16 triệu tấn phân bón, năm 2021, lượng xuất khẩu là 1,35 triệu tấn và dự kiến năm 2022 sản lượng có thể sẽ tăng lên đến 1,7 triệu tấn đem lại kim ngạch trên 1 tỷ đôla Mỹ cho đất nước.

image005

Ông Đỗ Đức Hùng – PTGĐ Apromaco trình bày tham luận tại hội thảo.

Mặc dù sản lượng tăng nhanh nhưng các vấn đề về tổ chức quản lý sản xuất vận  hành bảo dưỡng trong nhiều Nhà máy còn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các Nhà máy có quy mô vừa và nhỏ. Máy móc thiết bị hư hỏng nhiều làm gián đoạn quá trình sản xuất, ảnh hưởng đến chất lượng và tăng chi phí, giá thành sản phẩm..

Nhằm hỗ trợ và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thành viên và tạo diễn đàn chia sẻ kiến thức kinh nghiệm trong công tác vận hành, sửa chữa máy móc thiết bị, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm vận hành và bảo dưỡng dây chuyền sản xuất phân bón” tại Thành phố Đà Nẵng trong ngày 26/11/2022. Tham dự Hội nghị có Ban lãnh đạo Hiệp hội, đại diện của trên 20 đơn vị trực tiếp sản xuất phân bón, đơn vị cung cấp phần mềm, giải pháp quản lý bảo dưỡng, đơn vị chế tạo thiết bị sản xuất phân bón,. và một số cơ quan thông tấn báo chí.

Hội thảo tập trung trao đổi và thảo luận những vấn đề  chủ yếu: Công tác tổ chức, quản lý, vận hành các Nhà máy; Các khó khăn vướng mắc về công nghệ ; Các trường hợp điển hình về sử lý sự cố; Công tác bảo trì, bảo dưỡng trong Nhà máy; Các vấn đề chung về ứng dụng KHCN trong ngành sản xuất phân bón, thiết kế, chế tạo thiết bị phục vụ dây chuyền, tăng cường quản lý, tiết kiệm năng lượng…

Tham luận của Công ty Apromaco tại Hội nghị với chủ đề “ Một số kinh nghiệm về công tác quản lý bảo dưỡng dây chuyền sản xuất supe lân và NPK của Apromaco” do ông Đỗ Đức Hùng – Phó Tổng giám đốc trình bày tập trung vào những vấn đề hết sức cụ thể, thiết thực, vướng mắc thường gặp và kinh nghiệm giải quyết trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất. Hiện tại, Apromaco đang vận hành một dây chuyền sản xuất supe lân với công suất 200.000 tấn/năm và 3 dây chuyền sản xuất NPK với tổng công suất 230.000 tấn/năm tại các Nhà máy ở Lào Cai và Thanh Hóa.

image001

Nhà máy sản xuất Supe Lân và NPK của Apromaco tại Lào Cai

Trong môi trường sản xuất hóa chất như vậy công tác bảo dưỡng, sửa chữa - những hoạt động về mặt kỹ thuật trong việc kiểm tra, điều chỉnh, bảo quản, thay thế linh kiện, chi tiết của thiết bị nhằm duy trì, khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường của thiết bị sau một khoảng thời gian hoạt động, đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định, tin cậy sau quá trình bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa là hết sức quan trọng.

Mục tiêu quản lý bảo dưỡng và sửa chữa cho các thiết bị phục vụ sản xuất trong Nhà máy chủ yếu là:

  • Đảm bảo tính sẵn sàng hoạt động của thiết bị qua đó hạn chế tối đa thời gian thiết bị dừng hoạt động
  • Nâng cao năng suất cho thiết bị
  • Giảm chi phí sửa chữa thiết bị
  • Đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành thiết bị
  • Đảm bảo độ ổn định, chất lượng sản phẩm.

Bảo trì, bảo dưỡng định kỳ là phương pháp bảo dưỡng cơ bản nhất hiện nay, Nhà máy sẽ căn cứ vào tài liệu kỹ thuật của thiết bị, điều kiện thực tế và kinh nghiệm của mình để đưa ra lịch bảo dưỡng gồm nội dung công việc cần thực hiện, thời gian chi tiết,… nhằm duy trì thông số kỹ thuật ban đầu của thiết bị càng lâu càng tốt. Kinh nghiệm cho thấy rằng, nếu thực hiện tốt công tác này mặc dù phải chi một khoản tiền nhất định nhưng sẽ tiết kiệm rất lớn cho Nhà máy do tuổi thọ thiết bị được kéo dài, theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Theo thực tế tại các Nhà máy, sau 5-6 năm đi vào hoạt động, chi phí bảo dưỡng, sữa chữa nhà xưởng, máy móc, thiết bị, phương tiện… hàng năm ở các dây chuyền sản xuất phân bón phát sinh rất lớn do ngoài hao mòn vật lý thông thường thì ăn mòn hóa học, điện hóa thường xảy ra rất nghiêm trọng, có thể lên đến 10 – 20% giá trị thiết bị máy móc đầu tư nếu không chú ý đúng mức công tác vận hành và bảo dưỡng phù hợp.

image007

Hội thảo với sự tham gia của đông đủ các đại biểu

Đối với Apromaco, ngay từ khi bắt đầu xây dựng và vận hành dây chuyền sản xuất supe lân và tiếp sau là các dây chuyền sản xuất NPK với công nghệ khác nhau ở các địa phương khác nhau, Apromaco luôn ý thức được tầm quan trọng của công tác vận hành, bảo dưỡng thiết bị và áp dụng nhiều biện pháp quản lý, giám sát và thực hiện nghiêm ngặt công tác này. Nhờ vậy, mặc dù qua nhiều năm sử dụng, máy móc thiết bị trong các dây chuyền vẫn đảm bảo vận hành tương đối tốt, hiệu quả, không có bất kỳ sự cố lớn hoặc tai nạn lao động nghiêm trọng nào xảy ra.

Tại Hội thảo, Apromaco chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế về thiết kế dây chuyền hợp lý, giảm thiểu bụi và chống bám dính; chuẩn hóa các các hạng mục thiết bị trong dây chuyền, đưa về cùng một loại hoặc càng ít loại càng tốt để thuận tiện cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế; sử dụng các nguyên vật liệu phù hợp, ưu tiên tối đa các vật liệu có khả năng chống ăn mòn hóa học, điện hóa; xây dựng và thực hiện Quy chế vận hành máy móc thiết bị, Quy chế quản lý kỹ thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, hóa chất độc hại;  Quy trình kiểm tra, bảo dưỡng máy móc thiết bị; Ứng dụng phần mềm quản lý/ lập sổ theo dõi tình trạng các máy móc thiết bị: Đào tạo đội ngũ công nhân và kiểm tra thực hiện bảo dưỡng.…

image009

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Kết thúc Hội thảo, Thường trực Hiệp hội đánh giá cao các bài tham luận trình bày tại Hội nghị, có tính thực tiễn và là những chia sẻ hết sức quý báu trong nội bộ các thành viên Hiệp hội. Các Nhà máy sản xuất Urea thường được đầu tư lớn, bài bản với thiết bị nhập ngoại nên công tác bảo dưỡng được thực hiện tương đối khoa học, sử dụng các công cụ phần mềm tiên tiến. Các Nhà máy sản xuất NPK đa số có công nghệ đơn giản, vốn đầu tư thấp, thiết bị trong nước sản xuất.. nên chưa chú trọng nhiều đến công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý bảo dưỡng. Trong thời gian tới Hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, chuyến thăm kinh nghiệm thực tế cho các hội viên để giúp nâng cao hiệu quả trong công tác sản xuất phân bón./.

- Quỳnh Hương -

Tin liên quan