x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

BÀN VỀ ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI THUẾ GTGT VỚI MẶT HÀNG PHÂN BÓN

Trong những ngày trung tuần tháng 6 này, thời tiết ở miền Bắc, miền Trung nhất là Thủ đô Hà Nội trở nên nóng hơn bao giờ hết. Thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm không khí thấp cộng với hiệu ứng đô thị làm cho cả vùng nội đô Hà Nội hầm hập suốt cả ngày lẫn đêm.

Chính phủ đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT mức 5%

Một trong những vấn đề có sức nóng không kém đối với cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước là sau một thời gian gian kiên trì kiến nghị thì đề xuất sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã chính thức được Chính phủ trình lên Quốc hội để thảo luận xin ý kiến. Chiều ngày 17/6/2024, Quốc hội đã nghe Tờ trình về sửa đổi Luật thuế GTGT do Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Chính phủ trình bày và nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế GTGT của Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội. Theo nội dung Tờ trình, Chính phủ đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức 5%.

image001Đề xuất mức thuế GTGT 5% cho mặt hàng phân bón

Hai luồng ý kiến trái chiều về đề xuất thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón

Tại các cuộc thảo luận ở tổ, trên nghị trường và các diễn đàn gần đây đang có 2  luồng ý kiến đối lập nhau. Những ý kiến ủng hộ cho rằng sửa đổi thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là hết sức cần thiết vì mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT đang khiến cho ngành sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn do không được khấu trừ đầu vào và gây thiệt đơn, thiệt kép với cả doanh nghiệp lẫn người nông dân. Trong khi đó, một số ý kiến không đồng tình bày tỏ quan ngại nếu sửa thuế theo như đề nghị thì sẽ chỉ có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón, còn người nông dân thì sẽ phải chịu thiệt thòi và cho rằng việc áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Trước đây, mặt hàng phân bón đã chịu mức thuế GTGT 5% nhưng đến năm 2014, trước biến động thị trường, giá vật tư phân bón tăng cao nên theo đề xuất nhằm giảm giá phân bón cho người nông dân, kích thích tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật thuế 71) có hiệu lực từ 1/1/2015 thì phân bón được đưa vào diện không chịu thuế GTGT.

Vì vậy, cần thêm ý kiến phân tích, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đối với người nông dân.

Đối tượng chịu tác động khi thay đổi chính sách thuế GTGT

Khi thay đổi chính sách thuế GTGT sẽ tác động chủ yếu đến 3 đối tượng: nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thông thường, sự quan tâm và lợi ích cốt lõi của ba đối tượng sẽ xung đột, mâu thuẫn với nhau và không có chính sách thuế nào đảm bảo đem lại lợi ích tối đa cho cả ba đối tượng, chỉ có các chính sách nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học thì sẽ tiệm cận đến việc hài hòa lợi ích của cả “ba nhà” mà thôi.

Khái niệm thuế GTGT được quy định tại Điều 2 Luật số 13/2008/QH12 “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”.

Thuế GTGT còn được gọi với một cái tên khác là thuế VAT (viết tắt của tiếng Anh: Value-Added Tax). Nếu hiểu một cách đơn giản, đây là loại thuế được tính cộng vào giá bán của các loại hàng hóa, dịch vụ trong đơn hàng và do người tiêu dùng thanh toán, chi trả khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó.

Thuế GTGT là thuế gián thu do người tiêu dùng cuối cùng chịu. Cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ là người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thay cho người tiêu dùng thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ.

Nhà nước có thêm nguồn thu khi sửa đổi thuế GTGT với mặt hàng phân bón

Như vậy, khi áp thuế GTGT với mặt hàng phân bón thì Nhà nước sẽ thu được thêm một khoản thuế, doanh nghiệp sẽ cộng thuế vào giá bán và người tiêu dùng ở đây là người nông dân sẽ phải chi trả khoản thuế này khi mua phân bón để sử dụng.

Lợi ích của Nhà nước khi chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT mức 5% là rất rõ ràng: thu thêm được một khoản thuế đáng kể, tăng thêm ngân sách để phục vụ cho nhu cầu an sinh xã hội, phát triển kinh tế..

Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón được hưởng lợi

Đề xuất sửa đổi thuế GTGT đối với phân bón nếu được thông qua cũng sẽ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất  kinh doanh phân bón bởi lẽ:

– Thứ nhất: Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí do được hoàn thuế đầu vào theo công thức sau:

Số thuế VAT cần nộp =  Số thuế VAT đầu ra  –  Số thuế VAT đầu vào được khấu trừ.

Trong đó:

*  Số thuế VAT đầu ra =  Giá thuế sản phẩm phân bón bán ra   x  Thuế suất thuế VAT

* Số thuế VAT đầu vào được khấu trừ: Là tổng số thuế giá trị gia tăng (VAT) đã ghi trên các hóa đơn GTGT khi mua hàng hóa/ dịch vụ.

– Thứ hai: Do tiết kiệm được chi phí trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nên doanh nghiệp có nguồn vốn để mở rộng nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Doanh nghiệp có động lực nghiên cứu phát triển những dự án phân bón chất lượng cao, thế hệ mới, đem lại hiệu quả chung cho toàn xã hội: tạo công ăn việc làm, tham gia xuất khẩu thu ngoại tệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp và do đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.

– Thứ ba: Chính sách thuế GTGT mới sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu, nhất là phân bón từ các nước có thuế nhập khẩu phân bón là 0% như Trung quốc, các nước ASEAN…Hiện tại nhà nhập khẩu phân bón không có VAT đầu vào nên có lợi thế cạnh tranh hơn về giá với các nhà sản xuất phân bón trong nước. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì các nhà sản xuất phân bón trong nước sẽ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp và phải thu hẹp sản xuất.

Người nông dân được lợi gì khi thuế GTGT mặt hàng phân bón thay đổi

Khi đề xuất chính sách thay đổi thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp trong ngành phân bón có thể nhìn thấy được ngay và rõ ràng thì những tác động đến chủ thể quan trọng nhất trong chính sách là người tiêu dùng mặt hàng này, ở đây là người nông dân lại chưa được nhìn nhận, phân tích khách quan và đầy đủ. Câu hỏi lớn đặt ra là: Hàng chục triệu người nông dân sẽ mất gì, được gì khi thay đổi chính sách thuế GTGT phân bón?. Có lẽ vì lý do chưa thực sự thuyết phục nên mặc dù đã có nhiều kiến nghị thay đổi về chính sách thuế GTGT phân bón trong nhiều năm nhưng mãi đến nay mới được đưa ra bàn thảo tại Nghị trường.

Một số ý kiến cho rằng khi áp dụng mức thuế GTGT thì giá phân bón sẽ giảm, người nông dân sẽ có lợi và như vậy cả ba nhà: Nhà nước, Nhà doanh nghiệp và Nhà nông đều có lợi. Đây là ý kiến tương đối lạc quan và dễ bị phản biện.

Như đã phân tích về thuế GTGT trên đây, thuế GTGT là thuế gián thu do người tiêu dùng cuối cùng chịu, Khi chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế GTGT sang mặt hàng chịu thuế GTGT mức 5%, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón sẽ phải cộng thuế vào giá bán hiện hành và người nông dân sẽ phải chi trả khi mua phân bón để sử dụng. Như vậy, trong ngắn hạn thì giá bán phân bón sẽ tăng lên và người nông dân sẽ chịu thiệt một chút do phải bỏ thêm tiền để mua phân bón. (Nếu như có thể quyết định thuế GTGT phân bón ở mức 0% thì quá lý tưởng nhưng điều này sẽ rất khó xảy ra do vướng quy định trong luật thuế và các cam kết quốc tế).

Tuy nhiên, trong thời hạn dài hơn, người nông dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón, bởi vì:

Thứ nhất, các doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào, mà thuế đầu vào thường là các nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ… có mức thuế GTGT 10% do vậy, chi phí đầu tư giảm, giá thành sản xuất sẽ giảm đi. Tùy theo từng doanh nghiệp cụ thể, từng mặt hàng phân bón cụ thể mà mức giảm giá thành tương ứng sẽ khác nhau, nhưng có một điểm chung là giá bán sẽ phải giảm xuống theo quy luật cạnh tranh. Mức giảm giá bán này cao hơn hay thấp hơn mức tăng giá bán ban đầu do phải chịu thuế GTGT 5% khó ước tính được và phụ thuộc nhiều yếu tố, từng doanh nghiệp và từng thời điểm cụ thể. Có thể giá bán một số mặt hàng phân bón của một số đơn vị sẽ giảm, thậm chí thấp hơn mức giá bán khi chưa áp thuế GTGT. Tuy nhiên một điều chắc chắn rằng giá bán phân bón sẽ không tăng đến mức kịch trần 5%. Kinh nghiệm hoạt động trên thị trường phân bón nhiều năm cho thấy, mức tăng giá sản phẩm một vài phần trăm không quá tác động đến người nông dân vì trong những năm vừa qua, giá phân bón thường biến động rất lớn có những thời điểm tăng đột ngột 70% – 100%.

Thứ hai, doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới. Phân bón thế hệ mới sẽ làm tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, đồng thời bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nhóm phân bón được sản xuất theo công nghệ nano, công nghệ vi sinh và enzym; Nhóm phân bón sinh học hoạt lực cao; Nhóm phân bón vô cơ được sản xuất theo công nghệ mới… Khi người dân được tiếp cận, sử dụng các loại phân bón này sẽ làm tăng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững

Thứ ba, Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón, nhất là phân bón nhập khẩu nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học về thổ nhưỡng nông hóa, tạo giống mới, thực hiện các chính sách khuyến nông giúp người nông dân hoàn thiện kỹ năng trồng trọt, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thực hành nông nghiệp tốt, bón phân đúng quy trình,.. sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Phân bón chịu thuế GTGT, hài hòa lợi ích ba nhà.

Như vậy, nếu như 10 năm trước đây, việc đưa mặt hàng phân bón vào diện không chịu thuế GTGT chủ yếu đảm bảo lợi ích cho người nông dân, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cho phát triển ngành sản xuất phân bón và Nhà nước không thu được thuế thì đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức 5% là hoàn toàn hợp lý. Đề xuất này có lợi cho Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất phân bón và về lâu dài, người nông dân sẽ được hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ chính sách này./.

- QUỲNH HƯƠNG -

Tin liên quan