x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

HỘI NGHỊ PHÂN BÓN THẾ GIỚI KHU VỰC CHÂU Á- THÁI BÌNH DƯƠNG NĂM 2018

Từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 10 năm 2018 tại Singapore, Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) đã tổ chức hội nghị về tình hình hoạt động phân bón của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sự kiện này đã thu hút tới hơn 400 người tham gia với hàng trăm các giao dịch, trao đổi thương mại diễn ra bên lề hội nghị và nhiều báo cáo liên quan đến công nghiệp sản xuất phân bón, cung cầu phân bón, chính sách quản lý phân bón của một số quốc gia, phân bón với môi trường, cách sử dụng phân bón hợp lý, logistics,…

image001

Bà Charlotte Hebebrand, Tổng Giám đốc IFA cùng ông Phùng Hà, Tổng thư ký VFA và một số doanh nghiệp Việt Nam

Một số vấn đề về phân bón trên thế giới và khu vực được đề cập tại hội nghị:

Các hoạt động của tổ chức thuộc Liên hợp quốc liên quan đến phân bón: Đại diện của Liên hợp quốc trong bài trình bày cho biết, các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc đã có nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón như Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) đã xây dựng bộ Tiêu chuẩn hướng dẫn quản lý và sử dụng phân bón (Code of Conduct for the Management  and Use of Fertilizer), Tổ chức môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) có chương trình về mối liên quan giữa các chất hóa nông (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón) với môi trường. Trước đây UNEP đề nghị chương trình cắt giảm lượng phân bón khoáng sử dụng (reducing mineral fertilizer) nay UNEP đã thống nhất với IFA về sử dụng phân bón hiệu quả (Using fertilizers efficiently).

Đánh giá chung về ngành phân bón trên thế giới: Ngành phân bón vô cơ thế giới đã bước vào giai đoạn bão hòa, tốc độ tăng trưởng khoảng hơn 2%/năm trong giai đoạn 2007-2016, thị trường phân bón thế giới đang trong tình trạng cung vượt cầu nhưng ở mức chấp nhận được. Năm 2017, cả thế giới tiêu thụ khoảng 186 triệu tấn phân bón tính theo khối lượng chất dinh dưỡng, tăng 2,4% so với năm 2016. Tổng nhu cầu phân bón thế giới đến năm 2021/2022 được IFA dự báo là sẽ duy trì ở mức dưới 200 triệu tấn/năm. Khu vực châu Á và châu Mỹ là những khu vực tiêu thụ phân bón nhiều nhất thế giới, chiếm hơn 75%.

Sự tăng trưởng thuận lợi của ngành nông nghiệp hữu cơ thế giới cùng với chính sách cuả nhiều nước đã thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành phân bón hữu cơ toàn cầu. Quy mô thị trường thế giới về phân bón hữu cơ năm 2016 đạt gần 6 tỷ USD và dự báo sẽ đạt mức trên 10,23 tỷ USD vào năm 2025. Để có năng suất cao, sản lượng hợp lý, đảm bảo nhu cầu lương thực và nông sản cần sử dụng hợp lý và cân đối giữa phân vô cơ và phân hữu cơ, các loại dinh dưỡng đa lượng, trung lượng và vi lượng.

image003

Bà Charlotte Habebrand trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc và đoàn công tác Apromaco.

IVF kêu gọi các quốc gia sử dụng phân bón theo nguyên tắc 4 R (right source, right rate, right  time, right place). Cụ thể như sau: 1. Đúng loại: Sử dụng đúng loại phân mà cây trồng yêu cầu và phù hợp với từng loại đất; 2. Đúng liều: Đúng liều lượng vừa kinh tế vừa phù hợp với yêu cầu của cây trồng; 3. Đúng lúc: Bao gồm đúng lượng phân và đúng loại phân khi cây trồng cần; 4. Đúng cách, đúng chỗ: Bao gồm bón sao cho cây trồng hấp thu hiệu quả nhất và phù hợp với thổ nhưỡng.

Về tình hình sản xuất và tiêu thụ NPK tại khu vực Đông Nam Á: Năm 2000, các nước Đông Nam Á tiêu thụ 5% lượng NPK toàn cầu, đến năm 2017 đã tiêu thụ 10% lượng NPK toàn cầu, trong đó Indonesia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về sử dụng NPK và Việt Nam đứng thứ hai tại Đông Nam Á. Lượng sản xuất NPK tại Đông Nam Á cũng xếp theo thứ tự là Indonesia, Việt Nam, trong khi đó Thái Lan, Malaysia, Philippine mỗi quốc gia chỉ sản xuất dưới 500.000 tấn mỗi năm. Nguyên nhân của việc tăng lượng phân bón là do tăng diện tích trồng cấy và nhu cầu tăng sản lượng nông sản. Năm 2014, tổng khối lượng phân NPK tiêu thụ trên toàn thế giới đạt 60 triệu tấn. Trung Quốc là nước dẫn đầu trong khu vực về lượng NPK tiêu thụ, khoảng hơn 20 triệu tấn/năm.

Thái Lan là quốc gia nhập khẩu NPK lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2017 Thái Lan nhập 5,8 triệu tấn phân bón, trong đó 52% khối lượng từ Saudi Arabie và 25% từ Qatar.

Tình hình chung về sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu phân bón tại Trung Quốc: Trung Quốc đang giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu phân bón. Công suất sản xuất urea tại Trung Quốc tăng dần từ năm 2010 đến năm 2017, năm 2010 và năm 2011 công suất 66 triệu tấn, năm 2011 công suất 71 triệu tấn, năm 2013 công suất 81 triệu tấn, công suất các năm 2014, 2016 và 2017 lần lượt là 83 triệu, 86 triệu và 80 triệu tấn. Công suất năm 2018 dự kiến là 74 triệu tấn và năm 2019 ở mức 68 triệu tấn, công suất các năm 2018 và 2019 giảm dần do nhu cầu urea của thị trường nội địa ở mức 60 triệu tấn/năm, việc mất cân đối giữa công suất và nhu cầu là một vấn đề lớn của Trung Quốc. Năm 2016, Trung Quốc đã sản xuất 67,5 triệu tấn urea, 5,4 triệu tấn MAP và 7,5 triệu tấn DAP. Năm 2015 và 2016, Trung Quốc xuất khẩu một lượng lớn urea, lần lượt là 13,6 và 13,7 triệu tấn, năm 2016 còn 9,8 triệu tấn và năm 2017 là 4,7 triệu tấn. Ngoài urea, năm 2016 Trung Quốc xuất khẩu 1,8 triệu tấn MAP và 5,6 triệu tấn DAP, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Ấn Độ, lý do lượng urea xuất khẩu giảm dần vì giá trong nước cao hơn giá xuất khẩu.

Việc sử dụng trực tiếp quặng phosphate: Đối với một số loại cây nhất định, phổ biến là cây cọ, người ta có thể sử dụng một lượng nhất định quặng phosphate. Quặng phosphate là nguồn cung cấp P2O5 cho vùng đất có pH nhỏ hơn 7, đối với những loại cọ dưới 3 năm tuổi phải sử dụng quặng có độ tan tốt và sử dụng NPK chứa P2O5 dễ tan trong nước.

Lượng phân bón sử dụng trên 1 ha: Tại hội nghị, một thống kê cho biết lượng phân bón sử dụng trên 1 ha đất canh tác như sau: Đông Á 600 kg, Đông Nam Á 200 kg, Nam Á 150 kg và trung bình trên thế giới là 139 kg. Số liệu chính xác về lượng phân bón trên 1 ha chúng tôi chưa có nhưng tại Hội thảo “Một số vấn đề về phân bón chứa lân đối với cây trồng” tổ chức vào tháng 9 năm 2018, báo cáo của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam cho biết lượng NPK sử dụng trên 1 ha đất canh tác ở Việt Nam là 195 kg/ha.

Xu thế phát triển phân bón mới: Lượng phân bón công nghệ cao đã tăng dần, tại Trung Quốc lượng phân bón tan chậm và phân bón tăng có kiểm soát (phân bón bọc polymer, phân bón bọc bằng lưu huỳnh, phân bón bọc ureaformaldehyde,…) đã tăng từ 2,25 triệu tấn vào năm 2012 lên 3,28 triệu tấn vào năm 2016.

Gặp gỡ giữa Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA) và một số công ty trong đó có Apromaco với Tổng Giám đốc của Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA)

Trong thời gian diễn ra hội nghị ông Phùng Hà, Tổng thư ký VFA đã gặp và trao đổi với bà Charlotte Hebebrand, Tổng giám đốc IFA về sự hợp tác và mối quan hệ giữa VFA và IFA, bà Charlotte cam kết sẽ tạo điều kiện để VFA tiếp cận với các thông tin liên quan đến hoạt động phân bón toàn cầu và khu vực. Bà Charlotte cũng đề nghị VFA xem xét khả năng phối hợp với IFA tổ chức Hội nghị phân bón khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam vào năm 2019.

Bà Charlotte Hebebrand cũng gặp gỡ và trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Apromaco, đại diện của AgriMotor và một số công ty khác của Việt Nam tham dự hội nghị về tình hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ phân bón tại Việt Nam, các hoạt động của IFA, sự hợp tác, giúp đỡ của IFA với các quốc gia thành viên của IFA.

 

Thu Vân

Tin liên quan