x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

APROMACO THAM DỰ HỘI THẢO TRUYỀN THÔNG “MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHÂN BÓN CHỨA LÂN ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG”

Phân bón là một trong những vật tư hết sức quan trọng được sử dụng hàng năm với lượng khá lớn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Phân bón đã góp phần đáng kể làm tăng năng suất cây trồng, chất lượng nông sản ở nước ta.

Trong các loại phân bón thì lân có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Lân có trong thành phần của hạt nhân tế bào, rất cần cho việc hình thành các bộ phận mới của cây. Lân tham gia vào thành phần các enzim, các prôtêin, tham gia vào quá trình tổng hợp các axit amin. Lân kích thích sự phát triển của rễ cây, làm cho rễ ăn sâu vào đất và lan rộng ra chung quanh, tạo thêm điều kiện cho cây chống chịu được hạn và ít đổ ngã.

Tuy nhiên trong thời gian qua, có một số vấn đề về phân bón chứa lân cần phải được trao đổi, hội thảo để làm rõ nét hơn với mục đích là nhằm định hướng cho bà con nông dân dùng sản phẩm lân một cách đúng đắn và đem lại hiệu quả cao nhất.

Ngày 9/10/2018, tại Hà Nội, Hiệp hội phân bón Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức Hội thảo truyền thông “Một số vấn đề về phân bón chứa lân đối với cây trồng”. Chủ trì Hội thảo về phía Hiệp hội có T.S Phùng Hà – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, T.S Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch, T.S Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch và ông Nguyễn Quý Dương –Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Tham dự Hội thảo có đông đảo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chứa lân, các nhà khoa học, các phóng viên cơ quan thông tấn báo chí.

Hội nghị đã được nghe các tham luận, ý kiến phát biểu rất sôi nổi, tâm huyết của chuyên gia đến từ Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia nông hóa thổ nhưỡng, trồng trọt, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh DAP, MAP, DCP, Supe lân, Lân nung chảy….Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Apromaco kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam nêu rõ các sản phẩm phân bón chứa lân do các đơn vị lớn, đầu tư bài bản, công nghệ hiện đại sản xuất đều có chất lượng tốt nhưng các loại phân lân có tính chất khác nhau: loại tan trong nước cây trồng hấp thu được luôn như supe lân, loại không tan trong nước nhưng tan trong axit citric do rễ cây tiết ra nên cây trồng hấp thu dần như lân nung chảy,…nên cần xác định đúng loại phân bón chứa lân phù hợp cho từng loại đất, từng loại cây trồng và thời kỳ sinh trưởng để định hướng sử dụng cho người nông dân.

image001

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Apromaco, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam tham gia chủ trì Hội thảo

Tham luận tại Hội nghị, ông Đỗ Đức Hùng – Phó Tổng giám đốc Apromaco kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Supe lân Apromaco Lào Cai đã giới thiệu về hoạt động của Apromaco nói chung và quy trình sản xuất supe lân và NPK tại Nhà máy Supe lân Lào Cai nói riêng. Nhờ nguồn quặng apatit có chất lượng tốt, hàm lượng P2O5 cao, ít tạp chất và với công nghệ sản xuất tiên tiến, những người cán bộ kỹ thuật và công nhân tài hoa của Nhà máy supe lân Lào Cai đã sản xuất ra sản phẩm supe lân mang thương hiệu Supe lân Lào Cai tốt hàng đầu Việt Nam.

Trong thời gian qua, xuất hiện tình trạng nhập nhèm gọi hỗn hợp P2O5 phụ phẩm hình thành từ quá trình sản xuất DCP là lân trắng để cạnh tranh không lành mạnh với supe lân truyền thống. Đây là tên gọi không có trong danh mục phân bón Việt Nam, chưa có quy chuẩn chất lượng, chưa được cấp chứng nhận lưu hành như đại diện Cục Bảo vệ thực vật khẳng định tại Hội thảo.

Trong thành phần cái gọi là lân trắng thì mặc dù có hàm lượng P2O5 hữu hiệu cao nhưng hầu như không tan trong nước (hàm lượng P2O5 hữu hiệu tan trong nước chỉ 1-2%). Nếu sử dụng để sản xuất NPK thì mặc dù hàm lượng P2O5 hữu hiệu trong NPK khi phân tích đạt theo tiêu chuẩn quy định nhưng do đây là loại P2O5 không tan trong nước nên cây trồng rất khó hấp thụ nên tính chất kích thích sinh trưởng nhanh là tương đối thấp.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Apromaco đã kiến nghị về sửa đổi độ ẩm cho supe lân quy định trong Nghị định 108 cho phù hợp thực tế sản xuất, buôn bán và sử dụng ở Việt Nam và bổ sung quy định về hàm lượng P2O5 hữu hiệu tan trong nước đối với phân bón chứa lân.

 

image003

Ông Đỗ Đức Hùng – PTGĐ Apromaco trình bày tham luận về phân bón supe lân

 image006

TS Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam trình bày tổng quan phân bón chứa lân và vai trò phân bón chứa lân trong nông nghiệp

image007

TS Phùng Hà – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam tổng kết Hội thảo

Tổng kết Hội thảo, TS Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam nhấn mạnh Hội thảo truyền thông được tổ chức lần này là một nét mới trong hoạt động của Hiệp hội, tạo không gian mở cho tranh luận giữa những người tham dự và giới truyền thông. Hội thảo đã cho thấy các nhìn đa chiều về những vấn đề còn tồn tại trong quản lý, sản xuất và sử dụng phân bón chứa lân ở nước ta, Hiệp hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến các chuyên gia khoa học, nhà quản lý, kể các người sử dụng để dần từng bước khắc phục tồn tại, góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.

Về vấn đề sử dụng lân trắng: các cơ quan quản lý nhà nước nên thành lập hội đồng đánh giá khả năng sử dụng loại sản phẩm này trước khi đưa vào danh mục phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam, theo khuyến cáo của các chuyên gia loại sản phẩm này chỉ dùng được trong môi trường thổ nhưỡng nhất định, một số loại cây trồng nhất định vào những thời điểm nhất định.

Quỳnh Hương

Tin liên quan