x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

CẢ CUỘC ĐỜI VÌ SỰ NGHIỆP NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN VÀ NÔNG THÔN

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, tiếng trống năm 1930 của nông dân Tiền Hải đã thúc giục người thanh niên Nguyễn Ngọc Trìu đi tham gia cách mạng.

nnt

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu khi ở trên cương vị Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam thăm trang trại nuôi lợn nái ngoại tại Vĩnh Phúc.

Khi còn nhỏ ông đã chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, quê hương đói nghèo do đế quốc, phong kiến gây ra, đó là cảnh phá lúa trồng đay đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945 cho nông dân. “Người dân vừa đói lại vừa rét, đi đâu cũng gặp con người còm cõi, vật vờ như xác ma, mất hết nhân tính, chết la liệt. Thương tâm lắm! Đang lúc trai trẻ khỏe mạnh, tôi cùng anh em trong đội thanh niên cứu quốc thu gom xác chết khắp nơi đem chôn cất mà chẳng sợ gì”, ông hồi tưởng lại cảnh chết đói của nông dân Thái Bình năm 1945.

Kháng chiến bùng nổ, ông đã vận động, tập hợp thanh niên tham gia bộ đội địa phương, “người nông dân mặc áo lính” giữ đất, giữ làng, chủ động tiến công, lấy lại thế trận. Cho tới năm 1952, bộ đội địa phương quê ông (chủ yếu là nông dân) đã cùng với bộ đội chủ lực của sư đoàn 320 do Tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy về phối hợp với dân và quân mở ra nhiều chiến dịch đánh bốt, phá đồn, mở rộng vùng kháng chiến, tiến lên giải phóng quê hương vào năm 1954.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, từ năm 1953-1957 tiến hành cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất”, ông tham gia trong đoàn quân ấy đi lấy ruộng đất của địa chủ chia cho dân nghèo. Ông nói: “Chúng ta đã mang 810.000 ha đất chia cho 2 triệu hộ nông dân, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân người cày có ruộng”.

Kết quả này có tác dụng to lớn động viên nông dân ở địa phương. Cha mẹ, vợ con họ đã có mảnh đất để canh tác, người nông dân vui vẻ ra đi chiến đấu, bảo vệ quyền sở hữu mà sau bao đời mới được trao vào tay mình. Đó là cơ sở đóng góp to lớn để chi viện sức người, sức của nông dân miền Bắc cho chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” – ông trầm tư suy nghĩ và khẳng định như vậy.

Những năm 1960, khi ông làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch tỉnh Thái Bình, ông lo cho nông dân làm sao được “cơm no áo ấm” như lời Bác Hồ dạy.

Ông đưa ra 3 mũi “tiến công” ở Thái Bình. Một là lấn biển “đẩy sóng ra xa, kéo chân trời lại gần”; hai là “chín tháng cho người, ba tháng cho chăn nuôi”; ba là “Tổ quốc đẹp giàu, đâu cũng là quê hương”. Ba mũi “tiến công” ấy đã qua hơn nửa thế kỷ rồi, bây giờ điểm lại thấy đều có hiệu quả và thành công lớn.

Đồng đất Thái Bình cũng như Đồng bằng sông Hồng thời ấy vẫn “chiêm khê, mùa thối”, vẫn “đồng chua, nước mặn, chân đi chói sành”, vẫn cấy giống lúa chiêm cũ năng suất thấp chỉ 2-2,5 tấn/ha, nên người nông dân vẫn không đủ ăn. Với trọng trách trước đời sống của hàng triệu nông dân, ông đã chỉ đạo và vận động nông dân Thái Bình cải tạo ruộng đồng làm thủy lợi, làm phân bón, tìm giống mới.

Giữa lúc khó khăn ấy, ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi lên và giao cho Thái Bình 9 kg giống lúa mới NN8. Ông cho làm thí điểm, thấy giống lúa ngắn ngày, lại cho năng suất cao, cùng với nghiên cứu và đề xuất của Giáo sư Bùi Huy Đáp đề nghị Đồng bằng sông Hồng chuyển vụ lúa chiêm sang vụ lúa xuân, có giống lúa ngắn ngày năng suất cao và tạo ra 3 tháng cho vụ Đông để sản xuất ra rau, củ, quả thức ăn cho chăn nuôi từ 2 vụ thành 3 vụ trong năm.

Đất lúa Thái Bình thời ấy chưa được cải tạo bị nhiễm phèn, mặn nặng lắm, cần có vôi và phân hữu cơ để cải tạo. Thái Bình lại không có đá vôi, nên ông và các lãnh đạo tỉnh phải lặn lội ra Hải Phòng, Ninh Bình khai thác đá về nung vôi để cải tạo đồng ruộng. Thái Bình lúc ấy cũng tìm ra giống bèo hoa dâu La Vân, Bích Du nổi tiếng làm phân xanh và tạo ra đạm sinh học.

Vôi, bèo hoa dâu, cùng với lúa xuân NN8 đã đưa năng suất lúa của Thái Bình lên 3 tấn, 4 tấn, rồi năm 1966 là tỉnh đầu tiên trên miền Bắc đạt 5 tấn/ha trên phạm vi toàn tỉnh, đạt mốc son chói lọi trong nông nghiệp nước ta thời kỳ khó khăn ấy.

Tháng 8/1964, giặc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nước ta bước vào giai đoạn ác liệt. Tiền tuyến cần lương thực, thực phẩm lớn. Ba đột phá vôi, bèo hoa dâu, lúa xuân đã phủ kín đồng đất Thái bình, đã tạo ra đột phá mới năng suất lúa Thái Bình nâng lên 6 tấn/ha, rồi 7 tấn/ha vào năm 1972. Những năm ấy, khắp các vùng nông thôn Thái Bình đều vang lên câu hát “5 tấn thóc để góp phần chống Mỹ, đất ruộng quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày”.

Nông dân Thái Bình cùng với nông dân miền Bắc lao động quên mình vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất Tổ quốc. Hạt gạo cũng chia làm ba: Một ra tiền tuyến, một cho chiến trường xa, một để lại cho lực lượng lao động hậu phương. Những năm ông đảm trách Chủ tịch, rồi Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình 1965-1974, hằng năm nông dân Thái Bình đã đóng góp hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến.

Khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” lan truyền khắp mọi nơi trong tỉnh và trong cả miền Bắc. Thái Bình cũng là một tỉnh có tỷ lệ số dân đi bộ đội và thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cao nhất miền Bắc, có lúc huy động tới 16% dân số cho chiến trường. Con trai đầu lòng của ông 17 tuổi đang học lớp 10 cũng xung phong đi bộ đội để làm gương cho lớp thanh niên thời đó, với truyền thống: “Lúc có giặc người con trai ra trận”.

Những năm 80 của thế kỷ trước, ông đảm trách Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Thời đó nông nghiệp nước ta vẫn còn tổ chức HTX nông nghiệp theo kiểu cũ, tức là: “Các hộ nông dân góp trâu, góp ruộng, góp xã viên đi làm theo hiệu lệnh chung, quyền lợi được tính bằng công điểm và được chia đều”. Nông dân nản lòng không muốn đi làm, lúc đó tăng vụ, nhưng sản lượng không tăng mấy. Năm nào nước ta cũng phải nhập 40-80 vạn tấn lượng thực mà vẫn thiếu gay gắt.

Trong tình hình ấy, ở nông thôn xuất hiện những mô hình: Mỗi hộ nông dân nhận một diện tích đất nhất định kèm theo giống, vật tư từ HTX nông nghiệp. Hộ tự tổ chức sản xuất, khi thu hoạch họ phải nộp một lượng sản phẩm tương ứng với số tư liệu sản xuất đã nhận của HTX, số sản phẩm còn lại họ được hưởng. Mô hình xuất hiện ở Vĩnh Phúc, rồi ở Đoàn Xá (Hải Phòng)… Như có phép màu, bà con nông dân thức khuya, dậy sớm hăng hái lao động sản xuất đạt hiệu quả cao, vừa đóng góp đầy đủ cho HTX, vừa có sản phẩm dư thừa cho gia đình nâng cao đời sống.

Là Bộ trưởng Nông nghiệp, ông luôn sát cơ sở xem xét và tổng kết mô hình HTX nông nghiệp sản xuất có hiệu quả. Ông đề xuất với Ban Bí thư Trung ương tổ chức 6 tỉnh phía Bắc thảo luận về khoán trong nông nghiệp. Lúc ấy có tỉnh ủng hộ, có tỉnh phản đối. Nhưng thật may, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 22 CT cho phép khoán thí điểm. Là Bộ trưởng Nông nghiệp, ông luôn ủng hộ chủ trương này và triệu tập các sở, tỉnh, mời lãnh đạo địa phương về Hải Phòng thảo luận và thăm thực địa ruộng khoán. Cũng sau hội nghị này, năm 1981 Chỉ thị 100 CT của Ban Bí thư được áp dụng, khắp nơi hưởng ứng, Nghị quyết X của Trung ương Đảng khóa V chính thức ban hành cho nông dân cả nước thực hiện.

Khi còn là Bộ trưởng rồi Phó Thủ tướng, ông đã nhìn thấy vị thế quan trọng của kinh tế hộ trong nông nghiệp, nông thôn. Từ mô hình “vườn cây, ao cá Bác Hồ”, ý tưởng thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp rộng lớn gồm các hộ nông dân trước hết là khai thác ao hoang, đất trống, đồi núi trọc để làm vườn sản xuất cây ăn quả, rau xanh, dược liệu, để thành ao cá sản xuất thủy sản, thành chuồng trại sản xuất gia súc, gia cầm, lúc đầu đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình để “xóa đói, giảm nghèo”.

Sau khi nghỉ hưu, ông ra làm Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam. Trong hơn 20 năm làm Chủ tịch Hội, tuổi đã cao ông vẫn tâm huyết với sự nghiệp “xóa đói giảm nghèo và làm giàu” cho nông dân. Ông đã đi khắp các vùng của đất nước, từ miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Ông từng ăn “mèn mén” với đồng bào H’mông, từng ngủ nhà sàn với đồng bào Thái, ở nhà Rông với đồng bào Tây Nguyên để tham quan, đánh giá những mô hình kinh tế điển hình của hội viên, động viên những sáng kiến và nỗ lực của họ, đến đâu ông cũng được đồng bào quý mến trân trọng.

Khi nền kinh tế nông nghiệp chuyển sang sản xuất hàng hóa và hội nhập, ông xác định: “Phải mở rộng quy mô VAC, tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật, tăng đầu tư vốn và cho phép thuê thêm lao động để mở rộng các trang trại thành VAC sản xuất hàng hóa” có giá trị thu nhập cao, vận động hội viên và hộ nông dân sản xuất nông sản thực phẩm theo hướng GAP để nâng cao giá trị sức cạnh tranh của sản phẩm, tiêu thụ tốt cả ở trong nước và nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Ông nói: “Người nông dân làm nông nghiệp ở nông thôn phải làm giàu từ kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác. Nông nghiệp được cơ giới hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa, thương mại hóa góp phần vào sự nghiệp xây dựng nông thôn ngày một đổi mới và phát triển”.

Ông là một người đáng kính, suốt đời vì sự nghiệp nông phiệp, nông dân, nông thôn.

Bùi Sỹ Tiếu – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình

Theo Chinhphu.vn

Tin liên quan