x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

CHÍNH THỨC ÁP THUẾ GTGT 5% ĐỐI VỚI PHÂN BÓN

Ngày 26 tháng 11 năm 2024, Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua. Trong đó, thuế suất GTGT của mặt hàng phân bón chính thức đã được điều chỉnh từ mặt hàng không chịu thuế GTGT thành 5%, có hiệu lực từ 01/07/2025, quy định tại Mục b, Khoản 2, Điều 9 Luật thuế GTGT.

image001

Thuế suất phân bón điều chỉnh được Quốc hội Khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua

Phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là hàng hóa sử dụng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân nên việc thay đổi về thuế suất là nội dung rất được quan tâm trong suốt thời gian vừa qua.

Phân bón đã từng chuyển từ thuế suất 5% sang không chịu thuế (năm 2014) và chính sách này đã gây ảnh hưởng, bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian qua. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Theo TS Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, việc chuyển mặt hàng này từ diện áp thuế GTGT 5% xuống không chịu thuế trong những năm vừa qua khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sụt giảm đáng kể. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng. “Không được hoàn thuế, doanh nghiệp sản xuất phân bón chỉ có 2 lựa chọn, hoặc giảm lợi nhuận trước thuế hàng năm hoặc điều chỉnh giá bán. Doanh nghiệp sản xuất trong nước thiếu nguồn lực đầu tư công nghệ cao, sản xuất sản phẩm thế hệ mới, nhất là các loại phân bón thân thiện với môi trường…”, TS Phùng Hà chia sẻ.

Cũng theo TS Phùng Hà, luật hiện hành không quy định phân bón nhập khẩu phải chịu thuế GTGT, đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp trong nước. Sản phẩm  trong nước khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Do đó, cần thiết phải chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%.

image002

Apromaco là một doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách điều chỉnh

Việc áp dụng thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón giúp doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, từ đó đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, có cơ hội sản xuất thêm các sản phẩm phân bón thế hệ mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và góp phần giảm giá thành sản phẩm, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp phân bón thế giới và phân bón nhập khẩu. Nhà nước cũng có thêm nguồn thu để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Riêng người nông dân sẽ có cơ hội sử dụng sản phẩm phân bón chất lượng hơn, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Apromaco là một doanh nghiệp lớn trong việc sản xuất và kinh doanh phân bón, với sản lượng nhập khẩu và sản xuất trong nước hàng năm vào khoảng 1.000.000 tấn/năm, sẽ là một trong những doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách điều chỉnh thuế suất này. Hy vọng hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón của Công ty năm 2025 sẽ tốt hơn những năm qua, Công ty có điều kiện hơn để tiếp tục đầu tư công nghệ và thiết bị cho sản xuất phân bón ra sản phẩm với chất lượng cao hơn, phục vụ tốt hơn hệ thống đại lý, khách hàng và người nông dân sử dụng phân bón của Apromaco.

- Tiến Thịnh -

Tin liên quan