Hiện tại, giá supe lân đang rẻ nhất trên thị trường và người tiêu dùng khi sử dụng sẽ có được giá trị dinh dưỡng lân cho cây trồng với giá hợp lý nhất.
Phân bón supe lân đang được duy trì ở mức giá tương đối ổn định, hỗ trợ bà con nông dân rất nhiều trong sản xuất ở thời điểm khó khăn do dịch bệnh
Từ đầu năm đến nay, giá phân bón trong nước và trên thế giới liên tục tăng mạnh, vượt xa dự đoán của hầu hết các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón và thực sự là cú sốc đối với người sử dụng phân bón.
Tại thị trường trong nước, giá đạm Ure tăng trên 80%, từ 6.500 – 6.800 đồng/kg lên 11.500 – 12.000 đồng/kg. Giá các loại đạm khác như đạm sunphat, đạm amon, đạm nitorat cũng có tốc độ tăng tương tự. Giá Kali, mặt hàng Việt Nam phải nhập khẩu 100% cũng tăng trên 80%, từ khoảng 7.000 đồng/kg lên đến trên 12.000 đồng/kg trong khi nguồn cung đang rất căng thẳng.
Giá các loại phân bón chứa lân như DAP, MAP, TSP… cũng không nằm ngoài tình trạng này. Giá DAP trong nước sản xuất tăng gần 80%, từ 8.500 đồng/kg lên trên 15.000 đồng/kg, giá DAP nhập khẩu tăng 100% từ mức 9.000 đồng/kg lên đến 18.000 đồng/kg.
Cho đến nay, các nguyên nhân đứng đằng sau sự tăng giá phi mã của mặt hàng phân bón đã được đem ra mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng. Trên bình diện thế giới, nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng do đại dịch Covid-19 đã làm cho giá nông sản liên tục tăng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển dẫn đến nhu cầu phân bón tăng cao, cộng hưởng với sự tăng đột biến chi phí sản xuất, vận chuyển, logistic; chuỗi cung ứng tất cả các nguyên liệu, hàng hóa bị đứt gãy… đã là những nguyên nhân chính đẩy giá phân bón tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Ở thị trường trong nước, giá phân bón tăng không hẳn do quan hệ cung cầu. Giá nông sản các loại có xu hướng xuống thấp do rất khó tiêu thụ vì nhiều vùng bị phong tỏa, giãn cách, sức mua nội địa thấp do thu nhập của người dân giảm vì đại dịch kéo dài.
Hơn nữa, theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu sử dụng những năm gần đây chỉ trên 10 triệu tấn thì rất khó có thể nói rằng cung không đáp ứng đủ cầu.
Có thể lý giải rằng nguyên nhân giá phân bón trong nước tăng là do giá các loại nguyên liệu cho sản xuất phân bón tăng cao. Ví dụ mặt hàng lưu huỳnh tăng giá 170%, amoniac tăng gấp 2 lần, axít sunfuric tăng 132%, cộng với chi phí vận chuyển, logistic đã bị đẩy lên quá cao và các chính sách về thuế đối với sản xuất, nhập khẩu phân bón vẫn chưa thực sự hợp lý.
Giá phân bón tăng đột biến trong khi giá nông sản ở mức thấp đã gây rất nhiều khó khăn cho nông dân vì chi phí sử dụng phân bón trong sản xuất lúa chiếm khoảng 25%, các loại cây ăn trái và rau màu có thể lên đến 30%. Nếu không kiểm soát bình ổn được giá mặt hàng phân bón sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người nông dân trong việc tái sản xuất, tái đầu tư cho cây trồng.
Tuy nhiên trong sự hỗn loạn của giá phân bón vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Đó là giá mặt hàng phân bón supe lân vẫn đang được duy trì ở mức tương đối ổn định.
Phân bón supe lân rất quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây trồng.
Phân bón supe lân là một trong những nguồn cung dinh dưỡng lân quan trọng cho cây trồng. Phân lân rất cần cho sự hình thành lên các bộ phận mới của cây như rễ, mầm non, đẻ nhánh, phân cành, ra hoa, đậu quả và tham gia vào quá trình quang hợp, hô hấp. Phân lân ảnh hưởng đến sự vận chuyển đường, bột, tích lũy về hạt và các bộ phận thu hoạch của cây trồng. Phân lân còn giúp cây trồng chống được lạnh, chống được nóng đồng thời tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất thuận khác như hạn, úng, sâu bệnh hại. Có thể nói, phân lân là yếu tố chính quyết định sự ra hoa, đậu quả giúp hoa, quả to, hạt chắc.
Hầu hết phân supe lân được sản xuất trong nước và được sử dụng rộng rãi ở các địa phương, nhất là các tỉnh miền Bắc, miền Trung cho nhiều loại cây trồng. Từ đầu năm đến nay, mặc dù giá các loại phân bón chứa lân khác (DAP, MAP, TSP,…) tăng lên trên 90%. Đơn cử như DAP 64% nhập khẩu là mặt hàng chứa 46% lân, trước đây có giá bán trong nước trên dưới 9.000 đồng/kg thì nay là 18.000 đồng/kg, DAP sản xuất trong nước trước đây giá khoảng 8.500 đồng/kg, thì nay 15.000 đồng/kg nhưng giá hàng supe lân vẫn giữ tương đối bình ổn.
Trên thực tế, do giá nguyên liệu quặng apatit tăng, axit sunphuric tăng nên giá supe lân cũng tăng lên nhưng chỉ ở mức khoảng 10%, tương ứng với giá supe lân trên thị trường ở mức 3.200 – 3.400 đồng/kg. Nếu tính toán theo giá trị hàm lượng dinh dưỡng lân trong sản phẩm trong mối quan hệ tương quan với các loại phân bón khác thì giá supe lân lẽ ra phải tăng ở mức 80 – 90%, tương ứng với mức 5.300 – 5.500 đồng/kg, chưa kể trong phân bón supe lân còn có một lượng lớn lưu huỳnh (11%) và các hợp chất, yếu tố trung vi lượng khác rất cần thiết và có ích cho cây trồng.
Như vậy, có thể nói rằng, hiện tại giá supe lân đang rẻ nhất trên thị trường và người tiêu dùng khi mua supe lân sẽ có được giá trị dinh dưỡng lân cho cây trồng với giá hợp lý nhất. Điều này sẽ giúp người nông dân nâng cao hiệu quả canh tác vì chi phí bỏ ra thấp hơn mà vẫn mang lại hiệu quả tương tự.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời quan qua, nhờ thực hiện hợp lý hóa các công đoạn sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại để nâng tối đa hệ số chuyển hóa P2O5 trong quặng apatit vào sản phẩm supe lân, tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm nhằm hạ giá thành sản phẩm, các nhà máy sản xuất trong nước đã cố gắng duy trì mức giá xuất xưởng supe lân hợp lý nhất, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, hỗ trợ chung tay giúp nông dân vượt qua đại dịch.
Tuy nhiên với áp lực ngày càng lớn do giá các nguyên liệu chủ yếu (quặng apatit, axit sunphuric) tăng cao, đặc biệt nguồn cung quặng tuyển đang rất khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu của các đơn vị sản xuất lân như thông báo của Công ty Apatit Việt Nam nên việc tiếp tục duy trì mức giá supe lân xuất xưởng như hiện nay là rất khó khăn và bất khả thi.
Hơn nữa, chi phí vận chuyển, logistic còn tiếp tục tăng do các chi phí phát sinh liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh chắc chắn sẽ là tác động kép làm giá supe lân trên thị trường tăng lên. Điều này cũng phù hợp với tình hình thị trường phân bón hiện nay trên quốc tế và ở Việt Nam.
Vụ thu đông 2021 đang đến rất gần, trước tình hình này, bà con nông dân, các nhà máy sản xuất NPK hãy là người tiêu dùng thông thái khi quyết định lựa chọn các sản phẩm phân bón để đảm bảo có lợi nhất, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, vừa mang lại lợi ích cho bà con nông dân, góp phần bình ổn giá phân bón trong thời kỳ đại dịch Covid-19 này.
Quỳnh Anh – Thiên Lương
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
-
ĐOÀN KHÁCH HÀNG TỈNH THÁI NGUYÊN, BẮC KẠN THAM QUAN VÀ LÀM VIỆC TẠI NHÀ MÁY LÀO CAI
Với mục đích tăng cường hiểu biết lẫn nhau và chuẩn bị kế hoạch cung ứng, tiêu thụ các sản...
-
CHÍNH THỨC ÁP THUẾ GTGT 5% ĐỐI VỚI PHÂN BÓN
Ngày 26 tháng 11 năm 2024, Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 đã được Quốc hội nước Cộng hoà...
-
APROMACO TỔ CHỨC HỘI NGHỊ KHÁCH HÀNG KHU VỰC NGHỆ AN – HÀ TĨNH TẠI ĐÀ NẴNG
Nhằm chuẩn bị cung ứng phân bón cho bà con nông dân trong vụ Đông Xuân 2024-2025, Công ty Cổ...
-
Sau hoàn lưu bão số 3 (bão YAGI), miền Bắc đã có mưa rất lớn. Hiện nay mực nước tại...
-
APROMACO THÔNG BÁO VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ỨNG PHÓ VỚI CƠN BÃO SỐ 3 NĂM 2024 (BÃO YAGI)
Theo thông tin mới nhất về cơn bão số 3 (YAGI), là cơn bão có cường độ rất mạnh, mức...
-
NẾU ÁP THUẾ VAT 5% VỚI PHÂN BÓN, NÔNG DÂN SẼ CHỊU THIỆT?
Chính phủ đề xuất áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% với phân bón, song cơ quan thẩm tra...