x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

CĂNG THẲNG NGA – UKRAINE VÀ THỊ TRƯỜNG PHÂN BÓN THẾ GIỚI

Đợt tăng giá phân bón hóa học kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay

Từ đầu năm 2020 đến nay, giá nhiều mặt hàng tăng, trong đó có vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp, đặc biệt là phân bón. Giá phân bón tăng cao tới mức có thể gọi là tăng “phi mã”, lần tăng mạnh thứ 3 trong khoảng 50 năm trở lại đây.

Nguyên nhân tăng giá phân bón như đã biết, bao gồm, giá dầu, giá khí tự nhiên tăng mạnh, trong khi chi phí này nhiều khi chiếm 70% đến 90% chi phí sản xuất. Giá khí tự nhiên tăng đột ngột, có lúc đã tăng hơn 300%. Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm trở lại đây, giá dầu thô ngày 06/3/2022 đã đạt mức kỷ lục, giá dầu thô Brent ở mức 139 USD/thùng, mức giá cao nhất kể từ năm 2008. Cách đây một thập kỷ, giá dầu thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại, vào ngày 11/7/2008, giá dầu Brent chạm mức 147 USD/thùng, trong bối cảnh lo ngại Israel chuẩn bị tấn công vào chương trình hạt nhân của Iran, do gián đoạn nguồn cung dầu tại nhiều quốc gia, do đồng USD khi đó đang có mức tỷ giá gần thấp nhất mọi thời đại so với Euro, cũng là một động lực đẩy giá dầu tăng. Cũng giống như nhiều hàng hóa cơ bản khác gồm vàng, dầu thô được định giá bằng USD nên khi USD giảm giá thì giá dầu thường tăng và ngược lại. Để so sánh, chúng ta có thể chọn giá dầu Brent ngày 20 tháng 3 của các năm 2019, 20220 và 2021 đề so sánh: năm 2019 là 57,3 USD, năm 2020 là 56,7, năm 2021 là 73,6 USD/thùng.

Giá khí tự nhiên tăng quá mạnh đã buộc nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải đóng cửa. Việc mở rộng diện tích trồng trọt cũng là nguyên nhân khiến giá phân bón tăng.

Các biện pháp trừng phạt từ Liên minh châu Âu áp dụng đối với Belarus, quốc gia chiếm tới 20% sản lượng cung MOP toàn cầu, đã ảnh hưởng đến tổng lượng kali xuất khẩu.

Chí phí vận chuyển nhất là vận chuyển bằng container tăng chóng mặt. Đại dịch COVID-19 đã làm đứt đoạn sản xuất, cung ứng tại nhiều quốc gia, tăng nhiều loại chi phí do phải áp dụng các biện pháp phòng dịch.

Nga và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu đã quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón hóa học để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa và dẫn đến tăng giá. Cụ thể: Trung Quốc đã kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón xuất khẩu từ ngày 15 tháng 10 năm 2021, bao gồm Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, ammonium chloride và ammonium nitrate. Ngày 17/11/2021, Nga hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ và phân bón tổng hợp chứa nitơ trong sáu tháng để cố gắng kiềm chế sự tăng giá trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao. Hạn ngạch xuất khẩu phân đạm dự kiến là 5,9 triệu tấn. Hạn ngạch đối với phân bón chứa nitơ ở mức 5,35 triệu tấn. Hạn ngạch dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022.

Một số biến động về kinh tế thế giới khi căng thẳng Nga – Ukraine xẩy ra

Vào 5 h ngày 24/2/2022 (tức 10 h giờ Hà Nội), Tổng thống Nga Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, phía đông Ukraine, và kêu gọi quân đội Ukraine trong khu vực hạ vũ khí. Ngay sau bài phát biểu, hàng loạt thành phố ở Ukraine trong đó có thủ đô Kiev xảy ra các vụ nổ lớn. Nhiều cơ sở quân sự của Ukraine, trong đó có sở chỉ huy, trận địa phòng không và sân bay được xác nhận bị tập kích bằng tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao.

Việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã khiến Mỹ và đồng minh lên án kịch liệt và giáng nhiều đòn trừng phạt nặng nề trước nay chưa từng có lên Nga nhằm gây áp lực, buộc Nga phải chấm dứt xung đột. Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào nhiều lĩnh vực của Nga, bao gồm hệ thống tài chính, xuất khẩu năng lượng, dự trữ ngoại hối. Kể cả về cá nhân,Mỹ, EU và Anh đã áp đặt các lệnh đóng băng tài sản, cấm đi lại và các biện pháp hạn chế khác đối với một số cá nhân Nga. Năng lượng và công nghệ: Mỹ thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu liên quan tới Nga đối với chất bán dẫn, máy tính, viễn thông, thiết bị bảo mật thông tin, laser và cảm biến trong lĩnh vực quốc phòng. Hệ thống SWIFT: Một trong những biện pháp khắc nghiệt nhất sẽ là ngắt kết nối hệ thống tài chính Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế liên ngân hàng (SWIFT, Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication). SWIFT được sử dụng bởi hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia.

Mới nhất, Mỹ, EU đã công bố gói trừng phạt thứ tư đối với Nga. Ngày 14/3/2022, Pháp, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, thông báo, EU thông qua gói trừng phạt thứ 4 nhắm vào các cá nhân và thực thể liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, cũng như một số lĩnh vực của nền kinh tế Nga. Ngoài ra, Pháp cho biết EU cũng đã thông qua một tuyên bố với WTO “về việc đình chỉ áp dụng quy chế tối huệ quốc đối với Nga và tạm dừng việc xem xét đơn xin gia nhập WTO của Belarus”. Trước đó, Tổng thống Mỹ ngày 11/3/2022 tuyên bố Mỹ, EU và G7 (gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga. Đối xử tối huệ quốc là nguyên tắc cơ bản của WTO, trong đó các nước thành viên được đối xử như nhau, không có sự phân biệt đối xử. Việc bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga cho phép Mỹ và các đồng minh áp đặt thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa của Nga.

Các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga không chỉ gây khó khăn cho Nga, mà ngược lại phương Tây cũng bắt đầu cảm nhận tác động tiêu cực. Giá tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu tăng cao kỷ lục: Mỹ đang chứng kiến giá tiêu dùng tăng mạnh, giá tiêu dùng tháng 2/2022 ở Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng hằng năm nhanh nhất kể từ năm 1982. Ngày 17/3, Tổng thống Mỹ xác định rằng xung đột Nga – Ukraine là yếu tố chính góp phần dẫn đến đợt tăng giá gần đây nhất. Tại châu Âu, giá tiêu dùng tăng mạnh 5,1% trong tháng 1 và tăng tới 5,9% trong tháng 2, so với mức tăng 0,9% hằng năm của năm 2021, đánh dấu mức tăng kỷ lục hằng năm nhanh nhất. Tăng cao nhất là ở lĩnh vực năng lượng, tiếp theo là dịch vụ, thực phẩm, rượu, thuốc lá và hàng công nghiệp phi năng lượng. Giá xăng ở châu Âu tăng gần gấp đôi trong tháng 3 lên khoảng 2 euro/lít. Từ cuối tháng 2, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại: 3.900 USD/1.000 m3. Một năm trước, giá dao động “chỉ” ở mức 250-300 USD/1.000 m3.

Trong cảnh báo ngày 17/3/2022, Hiệp hội Năng lương thế giới (Interantional Energy Association, IEA) cho biết sản lượng dầu của Nga có thể giảm còn khoảng 3 triệu thùng/ngày do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nguy cơ về sự gián đoạn quy mô lớn đối với sản xuất dầu của Nga đang đe dọa tạo ra một cú sốc về nguồn cung dầu toàn cầu.

Nhằm trả đũa trừng phạt từ phương Tây, Nga gần đây đã cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng (thiết bị viễn thông, y tế, ô tô, nông nghiệp, điện và công nghệ…trong đó có phân bón) sang “các quốc gia không thân thiện” đến cuối năm 2022.

Căng thẳng Nga – Ukraine ảnh hưởng thị trường phân bón thế giới

+ Ảnh hưởng tới nguồn cung và giá phân bón toàn cầu:

Nga là nhà cung cấp phân bón lớn, Nga sản xuất trung bình 50 triệu tấn phân bón mỗi năm, chiếm 13% sản lượng phân bón trên thế giới. Trong khi đó Trung Quốc là quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, năm 2018 Trung Quốc sản xuất 54,6 triệu tấn, năm 2019 sản xuất 56,2 triệu tấn, năm 2020 sản xuất 53,96 triệu tấn.  Tính từ năm 2014 đến nay, sản xuất phân bón chứa đạm của Nga tăng ở mức trung bình 4,8%/năm, năm 2019 Nga sản xuất 10,4 triệu tấn, đứng thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc với 36,9 triệu tấn, Mỹ với 11,3 triệu tấn/năm.

Năm 2020, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới đạt 7 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 6,6 tỷ USD và Canada với 5,2 tỷ USD, Mỹ đứng thứ tư với 3,56 tỷ USD. Trong khi đó năm 2019, Nga xuất khẩu 8,58 tỷ USD phân bón, mặt hàng xuất khẩu lớn thứ bẩy của Nga. Riêng nitrat amon Nga xuất khẩu tới 50% lượng sản xuất, năm 2020 xuất sang Brazil hơn 10 triệu tấn phân bón trong đó có 7,5 triệu tấn nitrat amon. Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, tác động từ cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh.

Sau lệnh hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực, ngày 10/3 Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov cho biết chính quyền Nga đã quyết định ngừng xuất khẩu phân bón.

+ Ảnh hưởng tới xuất khẩu phân bón

Ngay cả khi Nga không cấm xuất khẩu phân bón, việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các ngân hàng của nước này không thể chuyển tiền ra hoặc nhận tiền từ nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu tất cả các mặt hàng trong đó có phân bón của Nga và dặc biệt là hàng Kali (chiếm trên 20% lượng Kali xuất khẩu trên thế giới).

Lithuania chấm dứt hợp đồng vận chuyển kali cho nhà sản xuất Belaruskali, Belarus, trong khi đó Cảng của Lithuania chiếm tới 92% lượng xuất khẩu, khoảng 10,8 triệu tấn, năm 2020 của Belaruskali. Việc này ảnh hưởng lớn đến nguồn cung kali toàn cầu vì Belarus chiếm khoảng 20% lượng kali xuất khẩu trên thế giới.

Do chiến tranh, việc vận chuyển ammoniac từ Nga qua cảng Yuzhny, Ukraine (nay gọi là cảng Pivdenny) cũng bị ảnh hưởng mạnh mặc dù Nga chỉ sản xuất dưới 10% ammonia toàn cầu (đứng đầu là Trung Quốc chiếm 32%, tiếp sau là Nga, Ấn Độ, Mỹ).

+ Ảnh hưởng tới nguồn cung và giá lương thực

Ngày 17/3/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lo rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, hai trong những nước sản xuất cây lương thực hàng đầu thế giới, có thể sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực trong 12-18 tháng tới, đặc biệt ở châu Phi và Trung Đông.

Trong khi đó, ở một số nước khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi lạm phát tăng cao, chi phí nhiên liệu tăng đồng nghĩa với việc vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón đắt hơn, dẫn đến giá lương thực cao hơn trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Giá lương thực có khả năng bị đẩy lên mặt bằng giá mới.

Những ảnh hưởng như nói ở trên cộng với việc Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dỡ bỏ xuất khẩu phân bón khiến nguồn cung các loại phân bón nhập khẩu đặc biệt là Kali và DAP sẽ giảm nghiêm trọng trong thời gian tới. Theo Cục Bảo vệ Thực vật, trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 707 nghìn tấn phân bón. Riêng lượng phân bón nhập khẩu từ Nga khoảng 74 nghìn tấn, trị giá trên 40 triệu USD, chiếm trên 10% về khối lượng và gần 12% về giá trị so với tổng lượng phân bón nhập khẩu.

Theo tin tổng hợp, vào nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón trong nước lại tiếp tục một đợt tăng giá mới. So với cuối năm 2021, giá phân bón đã tăng hơn 20% và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng khi chiến tranh Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại… Một số chuyên gia dự báo trong ngắn hạn, giá urea sẽ tăng nếu giá dầu tiếp tục tăng lên 150 USD/thùng (tuy nhiên hiện nay giá dầu đang xuống, có thời điểm giá dầu Brent vọt lên mức kỷ lục 139 USD/thùng nhưng sau đó quay đầu giảm và rơi xuống 106 USD vào ngày 17/3 và 104 USD/thùng vào ngày 21/3/2022). Thời gian tới, phân bón kali nhập khẩu về Việt Nam sẽ vắng bóng mặt hàng từ Belarus và Nga – hai nhà cung cấp kali lớn nhất thế giới, thay vào đó sẽ là kali từ Canada, Israel,…khả năng kali sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

Trước những biến động về giá phân bón như trên, việc đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón sẽ đóng vai trò quan trọng. Đây thực sự vừa là cơ hội vừa là nhiệm vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước. Các nhà máy sản xuất phân bón, các doanh nghiệp kinh doanh trong nước đã sản xuất, cung ứng được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: urea, DAP, Supe lân, lân nung chảy, nitrat amon, NPK, SA, kali,…Năm 2021, sản xuất trong nước đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 6 % so với cùng kỳ.

-Thiên Lương-

Tin liên quan