x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

NẾU ÁP THUẾ VAT 5% VỚI PHÂN BÓN, NÔNG DÂN SẼ CHỊU THIỆT?

Chính phủ đề xuất áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% với phân bón, song cơ quan thẩm tra – Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho biết, đa số ý kiến tại cơ quan này đề nghị giữ mặt hàng này ở diện không chịu thuế như hiện nay.

Ngày 14.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề, cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Thuế VAT (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp 7 hồi tháng 5 và dự kiến thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.

Báo cáo về các nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết có ý kiến tại Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì nông dân chịu tác động lớn do giá bán sẽ tăng. Việc này dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Đảng.

Ảnh màn hình 2024-08-17 lúc 10.59.40Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến tại phiên họp

Tuy vậy, vẫn theo ông Mạnh, quan điểm khác tại cơ quan thẩm tra lại ủng hộ áp thuế VAT 5% với mặt hàng này. Lý do, hiện phân bón là mặt hàng không chịu thuế, nên doanh nghiệp không được khấu trừ hoàn thuế đầu vào (gồm chi phí đầu tư mua sắm tài sản). Họ phải hạch toán khoản này vào chi phí, làm tăng giá thành sản xuất.

Ông Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với quan điểm giữ phân bón ở diện không chịu thuế giá trị gia tăng.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh tán thành với quan điểm này. Ông Thanh cho biết, việc áp thuế VAT 5% với phân bón sẽ khiến người nông dân phải chịu ảnh hưởng, bởi đây là thuế gián thu, người nông dân, tiêu dùng cuối cùng phải chịu do giá bán tăng.

“Khi áp thuế VAT với phân bón sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nhưng cũng cần bảo vệ người nông dân”, ông Thanh nói.

Giá phân bón sẽ không tăng?

Ngược lại, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay phân bón không thuộc diện chịu thuế như hiện nay, “tưởng ưu đãi, nhưng là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, ngành hàng này trong nước”.

Ông Tuấn dẫn tính toán cho thấy hiện chi phí sản xuất bình quân của doanh nghiệp khoảng 6 – 8%, tức cao hơn mức thuế suất Chính phủ tính áp dụng. Tức là, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có thuế VAT nhưng lại không được hoàn.

Chưa kể, hàng nhập khẩu được miễn thuế này, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm sản xuất trong nước. Với năng lực sản xuất dư thừa mặt hàng này trên thế giới hiện nay, ông Tuấn cho rằng, cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt.

 Ảnh màn hình 2024-08-17 lúc 11.00.37Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn phát biểu tại phiên họp

Trước lo ngại áp thuế sẽ khiến giá bán tăng, ông Tuấn nói không có cơ sở. Ông Tuấn phân tích, năng lực sản xuất phân bón của doanh nghiệp trong nước lớn, nếu áp thuế 5% thì tác động nhất định tới giá thành sản xuất trong nước (hiện chiếm hơn 73% thị phần).

Các doanh nghiệp sản xuất sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra và họ có dư địa giảm giá bán, chiếm lĩnh thị trường. Ngoài ra, phân bón là mặt hàng trong diện bình ổn giá, nên cơ quan quản lý có thể sử dụng biện pháp bình ổn trong trường hợp cần thiết.

“Đây là bài toán căn cơ phải tính toán để vừa tự chủ năng lực, vừa giữ được ngành sản xuất phân bón trong nước”, ông Tuấn phân tích.

Tương tự, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, khi áp thuế VAT 5% với phân bón, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ. Do đó, chắc chắn giá bán sẽ phải xuống chứ không thể nào doanh nghiệp cộng với 5% thuế để tính tăng lên cho người dân phải chịu thiệt.

Có thể tính thuế VAT 0%?

Ảnh màn hình 2024-08-17 lúc 11.01.00Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu ý kiến tại phiên họp

Với đề xuất đưa phân bón từ diện không chịu thuế VAT theo luật hiện hành sang diện chịu thuế với mức thuế suất là 5%, theo tính toán của Chính phủ, ngân sách có thể thêm 5.700 tỉ đồng, doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này được hoàn thuế 1.500 tỉ đồng mỗi năm. Tức là, ngân sách vẫn “dư” 4.200 tỉ đồng nếu phân bón được áp thuế VAT.

Để hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và nông dân, ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề xuất nên áp thuế 0% với phân bón và doanh nghiệp được hoàn thuế. “Áp thuế 0% thì mỗi năm ngân sách chỉ hụt thu khoảng 1.500 tỉ đồng, không làm tăng giá bán và ảnh hưởng tới nông dân”, ông Giang nói.

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, không thể quy định mức thuế suất 2% hay 0% cho phân bón vì mức thuế 0% chỉ áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ khi xuất khẩu. Cạnh đó, mục tiêu cải cách thuế giá trị gia tăng là giảm bớt số lượng các mức thuế suất, không gia tăng số lượng các mức thuế suất so với quy định hiện hành.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Bộ Tài chính – cơ quan soạn thảo luật thuế này – tiếp tục rà soát, thống nhất với cơ quan thẩm tra – Ủy ban Tài chính – Ngân sách để hoàn thiện dự thảo luật.

Theo Lê Hiệp – Báo thanhnien.vn

Tin liên quan