x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

“Tuyên chiến” với phân bón giả

Phân bón Trung Quốc được đóng bao thành phân kali sản xuất tại Canada bị Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện năm 2008 – Ảnh: Đội 7B-Chi cục Quản lý thị trường cung cấp

Năm 2009 sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón. Giải pháp mạnh tay này được đưa ra tại hội nghị “Đánh giá tình hình thanh tra, kiểm tra phân bón và giải pháp định hướng năm 2009 ở các tỉnh phía Nam tổ chức tại Bình Dương ngày 5-3.

Theo Cục Trồng trọt, trong năm 2008 hầu hết địa phương kiểm tra đều phát hiện phân bón kém chất lượng với tỉ lệ rất cao lên tới 40-60%. Ước tính số tiền người dân thiệt hại do sử dụng phân bón giả và phân bón kém chất lượng lên tới 2.000 tỉ đồng.

Phân giả nhiều do quản lý yếu

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng để quản lý chất lượng phân bón cần tập trung vào bốn yếu tố là luật pháp, năng lực của người dân, doanh nghiệp và Hiệp hội Phân bón cùng các cơ quan nghiên cứu khoa học. Trong đó cần sớm ban hành luật về phân bón để có cơ sở cho công tác thanh tra, quản lý cũng như xử phạt. Theo ông Bổng, dự kiến năm 2011 VN sẽ ban hành Luật phân bón. Nhưng trước mắt, Bộ NN&PTNT đang giao cho Cục Trồng trọt soạn thảo chiến lược sử dụng phân bón của VN đến năm 2020.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhiều giải pháp quản lý còn bất cập.

Ông Đinh Văn Dư, cục phó Cục Trồng trọt, cho biết ngay cả quy định về phân bón kém chất lượng và phân bón giả cũng chưa rõ ràng nên cơ quan chức năng khó xử phạt.

Ông Nguyễn Văn Sinh, phó giám đốc Sở NN&PTNT Đắc Lắc, cho rằng việc quản lý chồng chéo không có đầu mối vì hiện Bộ Công thương là đơn vị quản lý phân bón vô cơ, trong khi chịu tác động cuối cùng là người dân lại thuộc trách nhiệm từ Bộ NN&PTNT. Từ đó dẫn đến cũng là việc thanh tra, kiểm tra phân bón nhưng đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT phải xin phép Bộ Công thương mới được tiến hành. Nhiều đơn vị kiểm tra không thống nhất lại vô tình làm khó cho doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính.

Kiểm tra đã chồng chéo, đến khi phát hiện vi phạm lại không biết xử lý thế nào vì chưa có văn bản quy định. “Có trường hợp chúng tôi phải ra tận Cục Trồng trọt để hỏi xem trong trường hợp này nên xử như thế nào” – ông Sinh bức xúc nói.

Phạt không đủ răn đe

Công tác phân tích chất lượng phân bón còn nhiều bất cập cũng được nhiều đại biểu mổ xẻ. Ông Lê Quốc Phong, phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN, nêu hiện trạng khi gửi cùng một mẫu phân bón cho ba đơn vị phân tích khác nhau thì nhận được ba kết quả khác nhau. Do không chắc chắn, các đơn vị quản lý rất khó xử lý và ngại thông tin cho các cơ quan truyền thông để phổ biến tới người dân. Chưa kể thời gian kiểm tra mẫu phân bón các đơn vị gửi đi thường rất lâu.

Ông Nguyễn Văn Sinh cho biết tại Đắc Lắc khi gửi mẫu đi thì sớm nhất cũng phải hai tháng sau mới có kết quả, muộn phải ba tháng thì làm sao xử lý kịp thời. Ông Trần Quang Củi, giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho biết thêm “đến khi nhận được kết quả phân bón kém chất lượng thì người ta đã tẩu tán hàng đi từ lâu rồi”. Mức phạt thấp cũng không đủ sức răn đe. Ông Lê Quốc Phong cho biết “khi phát hiện chỉ phạt khoảng 12 triệu đồng thì DN sẵn sàng nộp để tiếp tục làm giả”.

Đại diện Sở NN&PTNT Bình Phước cho rằng thay vì xử phạt nhẹ như hiện nay, nên truy thu lại tổng số phân bón kém chất lượng mà công ty cung cấp ra thị trường, rồi ước tính thiệt hại của người dân mà bắt DN bồi thường.

Cần có luật phân bón?

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Trí Ngọc, cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết năm 2009 sẽ tiếp tục là “năm chất lượng phân bón” với việc triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi việc sản xuất và kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Một trong những biện pháp được đẩy mạnh đó là tăng cường kiểm tra đột xuất và kiểm tra ngay tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ miền Nam, cho rằng cần sớm ban hành tiêu chuẩn về tên phân bón. Ngoài ra, cần sớm ban hành pháp lệnh về phân bón hoặc luật phân bón vì nếu không đưa vào luật thì sẽ thiếu cơ sở và không thể xử lý. TS Nguyễn Đăng Nghĩa lập luận: “Nếu sản xuất phân bón chỉ đạt 10% so với tiêu chuẩn cũng quy vào là phân kém chất lượng như khi đạt 90% với mức xử phạt như nhau thì chẳng ai dại gì mà sản xuất phân 90%”.

Một biện pháp quan trọng là nâng cao năng lực lựa chọn phân bón của người dân sẽ làm giảm phân bón giả. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng năng lực lựa chọn phân bón của người dân VN đang rất thấp do trình độ còn hạn chế và thiếu vốn. Việc thiếu thông tin và thiếu tiền buộc người dân phải mua chịu ở các đại lý và gặp nhiều sản phẩm kém chất lượng với giá rẻ hơn là điều dễ hiểu. Trong năm 2009 sẽ tăng cường việc thông tin các sản phẩm kém chất lượng hoặc các công ty làm ăn không chân chính lên các phương tiện truyền thông để người dân biết và phòng tránh.

Về phía quản lý các DN sản xuất phân bón, ông Bổng cho biết các cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy chuẩn cho một cơ sở sản xuất và coi sản xuất, kinh doanh phân bón là một ngành kinh doanh có điều kiện.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt về công tác kiểm tra phân bón năm 2008, cả nước có trên 300 DN sản xuất và kinh doanh phân bón với trên 3.000 loại sản phẩm khác nhau. Qua lấy mẫu kiểm tra tại 22 tỉnh thành trên toàn quốc cho thấy kết quả gần 50% số mẫu phân bón kém chất lượng. Một số địa phương có tỉ lệ phân bón kém chất lượng trên 50% như Vĩnh Long (52,7%), Trà Vinh (57,14%), Bến Tre (67,64%), Phú Yên (75%), Ninh Thuận (60%), Đồng Nai (65%). Nhìn chung các chỉ tiêu dinh dưỡng giảm thường 5-10%, một số loại giảm tới 40-50%.

TRẦN MẠNH (TT)

Tin liên quan