x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

MỘT SỐ THAY ĐỔI VỀ CHÍNH SÁCH VĨ MÔ LIÊN QUAN ĐẾN PHÂN BÓN

Năm 2014 chuẩn bị chính thức khép lại với những thay đổi đáng kể về chính sách vĩ mô liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón tại Việt Nam. Trong đó, có những chính sách đã và đang có hiệu lực, có những chính sách mới được ban hành và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015.

hbaek2

Một tàu phân bón Urea do Apromaco nhập khẩu và phân phối

Nhìn lại năm 2014, kể từ ngày 01/01/2014, thuế suất thuế nhập khẩu 2 loại mặt hàng phân bón chính là DAP và UREA đã được nâng lên 3% từ 0% theo thông tư số 164/2013/TT-BTC ban hành ngày 15/11/2013. Tiếp đó, sau nhiều lần kiến nghị từ Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), ngày 10/09/2014, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 131/2014/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng UREA lên 6% từ 3% có hiệu lực kể từ ngày 25/10/2014.

 

Như vậy, tính đến 30/12/2014, mức thuế nhập khẩu UREA đang bằng mức trần cam kết WTO của Việt Nam. Với mức thuế suất này, thực sự đã giảm phần lớn lượng UREA nhập khẩu và đã khuyến khích sản xuất trong nước (Theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì ngay trong 4 tháng đầu năm 2014, sau khi mức thuế suất 3% có hiệu lực, UREA nhập khẩu đã giảm 69% về lượng và 72% về trị giá so với cùng kỳ 2013). Hiện tại, tổng sản lượng phân UREA sản xuất ra của 4 nhà máy: Hà Bắc, Ninh Bình (Vinachem) và Phú Mỹ, Cà Mau (PetroVietnam) đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và một phần dành cho xuất khẩu.

 

Đối với mặt hàng phân DAP, hiện mức thuế suất vẫn đang ở mức 3%. Tuy nhiên, để khuyến khích sản xuất phân DAP trong nước, đặc biệt là khi nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai đã bắt đầu ra sản phẩm đưa tổng lượng sản xuất trong nước lên hơn 600.000 tấn/năm, đồng thời để hạn chế nhập khẩu DAP từ Trung Quốc, thì việc tăng thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng này từ 3% lên 6% (bằng mức trần cam kết WTO) theo chúng tôi chỉ là vấn đề thời gian.

nk

Apromaco không ngừng cải tiến kĩ thuật để đưa ra các sản phẩm phân bón mới với chất lượng cao hơn

Song song với việc tăng thuế nhập khẩu, các chính sách vĩ mô cũng tập trung vào quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, hạn chế nhập khẩu để khuyến khích sản xuất trong nước. Cụ thể, ngày 01/02/2014, nghị định số 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón có hiệu lực. Nghị định này quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón; quản lý chất lượng, kiểm nghiệm, khảo nghiệm, đặt tên phân bón; trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón…Đây là hành lang pháp lý cao nhất về quản lý phân bón có hiệu lực trong năm 2014. Theo đó, ngày 30/09/2014, Bộ Công thương ban hành thông tư số 29/2014/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 27/11/2014 quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 202 này.

 

Ít ngày sau đó, ngày 15/10/2014 vừa qua, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 35/2014/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2014 quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng phân bón UREA và NPK. Theo đó, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tự động mất khá nhiều thời gian (kể từ khi gửi hồ sơ xin phép đi đến khi có thể nhận được nhanh nhất cũng phải mất 15 ngày). Khi làm thủ tục nhập khẩu, thương nhân phải nộp cho Cơ quan Hải quan Giấy phép nhập khẩu tự động đã được cấp cùng với bộ hồ sơ nhập khẩu theo quy định hiện hành và phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành. Thực tế quy định này, doanh nghiệp khó có thể thực hiện được.

 

Ngay sau khi các nghị định, thông tư được ban hành đã có rất nhiều những ý kiến khác nhau của các chuyên gia, Hiệp hội phân bón, doanh nghiệp, và người nông dân… nhưng đa số cho rằng việc thay đổi những chính sách này là bảo hộ sản xuất trong nước một cách thái quá, đôi khi đi ngược với quy trình thông thường trong lưu thông hàng hóa dẫn tới mục tiêu cuối cùng là giá phân bón giảm, người nông dân được hưởng lợi có vẻ như còn xa vời.

 

Một chính sách nữa cũng rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn: Vào những ngày cuối năm 2014, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13, Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, trong đó quy định kể từ ngày 01/01/2015 các mặt hàng Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra.

 

Theo ý kiến của các nhà sản xuất phân bón, chủ yếu là UREA, DAP, Supe Lân, NPK: Việc thay đổi này là bất lợi hơn, đặc biệt là khi cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi hàng nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT trong khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải chịu thuế GTGT đối với vật tư, nguyên liệu đầu vào (đa số là ở mức 10%) nhưng lại không được khấu trừ nên chi phí sản xuất các loại phân bón này sẽ tăng lên. Theo đó, người nông dân cũng không được hưởng lợi từ chính sách này. Mặt khác, việc xử lý hàng tồn kho đến 01/01/2015 là rất khó khăn vì phân bón có tính thời vụ cao, đa số các nhà sản xuất đã chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu, thành phẩm để đưa ra thị trường đón kịp thời vụ, trong khi những loại này đều đã chịu thuế GTGT đầu vào, tuy vậy, cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa có hướng dẫn xử lý tồn tại này.

 

Còn ý kiến của các nhà nhập khẩu thì ít quyết liệt hơn nhưng vấn đề xử lý hàng tồn kho cũng không phải dễ khi cũng giống hàng hóa sản xuất, hàng nhập khẩu cũng đã được chuẩn bị cho vụ tới và khi nhập khẩu trước đó cũng đã chịu thuế GTGT hàng nhập khẩu. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón với số lượng lớn trong thời gian trước đó thì số tiền thuế GTGT đã nộp lên tới cả trăm tỉ đồng không biết khi nào được xử lý cũng không phải là chuyện lạ.
Trước tình hình này, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng như nhiều nhà sản xuất khác đều đã có đề nghị giảm thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón từ mức 5% về mức 0% thay vì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra.

 

Một vấn đề cũng được nhiều người quan tâm, đó là những chính sách thuế xuất khẩu của Trung Quốc – nước xuất khẩu phân bón lớn nhất vào Việt Nam trong nhiều năm qua sẽ áp dụng trong năm 2015 tới đây. Theo nguồn tin Apromaco, Trung Quốc sẽ áp dụng thuế xuất khẩu cho cả năm 2015 theo mức như sau:

 

– Đối với UREA: 80 Tệ/tấn

– Đối với phân Phosphate (DAP, MAP): 100 Tệ/tấn

– Phân NPK: Thuế suất 30%

– Phân NP: Thuế suất 5%

– Phân lân kép dạng hạt (GTSP): Thuế suất 5%

– Phân Kali: 600 Tệ/tấn

 

Một điểm khác biệt lớn đối với chính sách thuế xuất khẩu của Trung Quốc năm 2015 là thuế suất sẽ áp dụng cho cả năm đối với UREA và DAP thay vì có sự khác biệt trong mùa cao điểm (chính vụ – thường là T1-T6 và T11-T12 hàng năm) và thấp điểm (không chính vụ – thường là T7-T10 hàng năm).

 

Do đó, các nhà nhập khẩu Việt Nam thay vì chờ đến mùa thấp điểm mới có thể nhập khẩu UREA, DAP thì trong năm 2015 có thể nhập khẩu quanh năm khi giá cả và thời điểm phù hợp.

 

Có lẽ, đây cũng là chính sách mới của Trung Quốc để đối phó với những chính sách vĩ mô nhằm hạn chế nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc của Việt Nam đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

 

Với những thông tin trên đây, chắc chắn năm 2015 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn cho ngành Phân bón nói chung và sản xuất, nhập khẩu phân bón nói riêng. Tuy vậy, đối với từng doanh nghiệp, việc đề ra chiến lược kinh doanh đúng và trúng trong từng thời kỳ sẽ quyết định sự tồn tại lâu dài, bền vững trong lĩnh vực phân bón đầy biến động này./.

Phạm Văn Định

Tin liên quan