x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

Một số ý kiến trao đổi về Dự thảo quy chuẩn chất lượng phân bón

 Phân bón là những chất, hợp chất có chứa một hoặc nhiều nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng, nhằm thúc đẩy sự phát triển, sinh trưởng của cây trồng, cung cấp dinh dưỡng cho đất, có thể làm thay đổi chất đất phù hợp với nhu cầu của loại cây trồng.

Trong một vài năm, do buông lỏng quản lý nên thị trường nước ta xuất hiện nhiều loại phân bón có chất lượng kém, bao bì nhãn mác lập lờ để lừa dối người tiêu dùng gây ra nhiều thiệt hại cho bà con nông dân và những nhà sản xuất phân bón chân chính. Vì vậy, việc siết chặt quản lý thị trường, nâng cao chất lượng phân bón là việc cần làm ngay trong đó có việc xây dựng một quy chuẩn mới về chất lượng phân bón.

Sau khi nghiên cứu Dự thảo quy chuẩn chất lượng hàng hóa do Cục Bảo vệ thực vật soạn thảo thấy có một số ý kiến cần trao đổi như sau:

  1. Về tiêu chuẩn supe lân:

Độ ẩm tối đa 12% thay cho 13% trước đây.

Ở qui mô công nghiệp, phân bón supe lân (hay còn gọi là lân đơn) được sản xuất từ hai nguyên liệu chính là quặng apatit và axit sunfuric. Quặng apatit sau khi được nghiền mịn hoặc tuyển lọc sẽ được đưa vào thùng trộn cùng với axit sunfuric có nồng độ từ 60 – 90% tùy thuộc vào độ ẩm của quặng.

Phản ứng hóa học xảy ra giữa hai loại nguyên liệu này đã dần hình thành nên sản phẩm supe lân với P2O5 hữu hiệu khoảng 16-16,5%. Lượng P2O5 hữu hiệu chủ yếu hình thành từ thùng trộn (mixer), thùng hóa thành (reaction chamber) và một phần nhỏ trong quá trình ủ và đảo trộn khi axit tự do giảm xuống.

Độ ẩm trong lân sau khi ra khỏi thùng hóa thành thường cao trên 14%. Trong quá trình ủ và đảo trộn, hơi nước trong sản phẩm thoát dần ra môi trường bên ngoài. Quá trình này diễn ra tự nhiên và hầu hết các Nhà máy supe lân đều không sấy lân bột nên độ ẩm trong lân hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện môi trường bên ngoài.

Nếu thời tiết hanh khô thì độ ẩm trong lân giảm xuống nhanh và dễ dàng đạt mức dưới 12%. Tuy nhiên, ở Miền Bắc vào mùa nồm ẩm, mưa nhiều, khi độ ẩm không khí cao, thậm chí gần đến mức bão hòa thì việc hạ độ ẩm trong supe lân là rất khó khăn. Thậm chí độ ẩm của supe lân trong quá trình ủ còn tăng lên.

Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với thực tế sản xuất supe lân, đề nghị giữ nguyên qui định độ ẩm tối đa trong supe lân là 13%.

  1. Về tiêu chuẩn sản phẩm NPK hỗn hợp.

2.1. Độ ẩm ≤ 5% (trước kia không quy định độ ẩm của phân bón NPK):

Phân bón NPK vê viên có độ ẩm thấp sử dụng cho các vùng đồi núi cao, khô cằn, lượng mưa ít hoặc không có điều kiện tưới nước thì sẽ rất khó tan và cây trồng không hấp thụ được.

Hiện tại, các sản phẩm phù hợp với vùng núi thường là NPK dạng hạt không sấy có độ ẩm cao hơn từ 6-8%. Sản phẩm không qua sấy dạng mềm, dễ vỡ vụn và khả năng tan nhanh hơn.

Một số loại NPK dạng bột trộn (không qua sấy) có độ ẩm cao hơn mức 5% cũng rất thích hợp với các cây trồng như chè, sắn, dứa… ở vùng đồi núi.

Vì vậy, nên xem lại quy định này và đề xuất mức độ ẩm tối đa là 8%.

2.2. Thành phần đa lượng: Mỗi hàm lượng N,P,K ≥ 3% (trước kia không quy định)

Quy định này không có cơ sở. Tại sao lại phải khống chế tỷ lệ hàm lượng mỗi chất đơn không thấp hơn 3% mà không phải là 1% hay 2% hay 5%. Việc các Nhà sản xuất nghiên cứu, tính toán công thức mỗi hàm lượng N,P,K bao nhiêu trong sản phẩm NPK để tạo ra các dòng sản phẩm phù hợp với các vùng đất khác nhau, các loại cây trồng khác nhau, các giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau của cây trồng.

Không phải cứ hàm lượng cao là tốt trong khi vùng đất đó không cần, cây trồng đó không cần hoặc thời gian sinh trưởng đó không cần đến hàm lượng cao như vậy. Nếu quy định cứng nhắc sẽ dẫn đến lãng phí, tốn kém hơn cho người nông dân và thậm chí gây hại cho đất.

sspgopy

Công ty Supe lân Apromaco Lào Cai – Đơn vị sản xuất supe lân và NPK uy tín hàng đầu Việt Nam với các sản phẩm vượt trội về chất lượng.

Công ty Supe lân Apromaco Lào Cai đã và đang sản xuất các sản phẩm NPK Chuyên lót Lào Cai LC1 8.8.2, NPK chuyên thúc Lào Cai LC2 13.2.10, NPK Lào Cai 12.2.12+TE.. được đánh giá rất hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và được sự tín nhiệm cao của bà con nông dân. Nếu theo quy chuẩn mới, thì các dòng sản phẩm này không phù hợp vì có hàm lượng chất đơn dưới 3%. Nếu như phải chuyển dòng 12.2.12 thành 12.3.12 chẳng hạn thì giá thành sản phẩm tăng lên và lãng phí phân bón vì cây trồng và vùng đất đó không cần đến 3% lân.

Ngoài ra dự thảo quy chuẩn cho phép sản xuất các loại NK, NP, PK. Nghĩa là cũng ngầm hiểu rằng một trong số các đa lượng (N,P,K) không hoàn toàn cần thiết cho một số loại đất và cây trồng đặc thù.

Vì vậy, không nên quy định tỷ lệ tối thiểu mỗi hàm lượng trong NPK. Hoặc nếu cần thiết phải quy định thì chỉ cần mỗi hàm lượng không thấp hơn 1%.

  • Thành phần trung lượng Ca, Mg, Si, S: Mỗi hàm lượng Ca, Mg, SiO2, S ≥ 1% (trước kia không quy định hàm lượng tối thiểu).

Tương tự như đã phân tích ở phần 2.2. trên đây về quy định hàm lượng tối thiểu mỗi loại đa lượng, thực sự không cần phải quy định hàm lượng tối thiểu mỗi loại trung lượng. Đối với nhiều loại cây trồng chỉ cần tỷ lệ MgO khoảng 0,5% là đã quá tốt. Quy định cứng nhắc về hàm lượng các thành phần trung lượng trong phân bón sẽ làm tăng giá thành, gây lãng phí phân bón vì quá thừa chất cho cây trồng.

Vì vậy, nên bỏ quy định này hoặc nếu cần thiết phải quy định thì chỉ cần mỗi hàm lượng không thấp hơn 0,3%

2.4. Thành phần vi lượng: Mỗi hàm lượng nguyên tố Fe, B, Co, Mn, Zn, Cu, Mo ≥ 50 ppm. (trước kia không quy định cụ thể hàm lượng tối thiểu).

Việc quy định hàm lượng tối thiểu của từng loại vi lượng này rất khó thực hiện bởi trên thực tế 50ppm là một lượng rất nhỏ nên rất khó đạt kết quả chính xác. Ngoài ra, các Nhà máy nếu muốn phân tích chính xác phải đầu tư máy móc và hóa chất tương đối tốn kém để tránh bị phạt khi không đủ hàm lượng vi lượng.

Vì vậy, không cần quy định chi tiết từng loại thành phần vi lượng mà nên quy định tổng hàm lượng các vi lượng không thấp hơn 1000 ppm.

 

Quỳnh Hương.

Tin liên quan