x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

Xuất khẩu phân bón- Những tín hiệu khả quan

Nhiều tín hiệu khả quan từ xuất khẩu phân bón thời gian gần đây đã cho thấy, Việt Nam dần dần chấm dứt thời kỳ là nước nhập khẩu phân bón với số lượng lớn.

Xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ

Hai tháng đầu năm 2012, phân bón vẫn chưa có tên riêng trong danh mục hàng hóa xuất khẩu. Nhưng tới tháng 3, lần đầu tiên trong danh sách hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, phân bón đã có tên, khi lượng xuất khẩu đạt trên 144 ngàn tấn, với giá trị 62,28 triệu USD. Sang tháng 4, trên 129 ngàn tấn phân bón được xuất khẩu, thu về 57 triệu USD. Tính ra, trong 4 tháng đầu năm nay, nước ta đã xuất khẩu 425 ngàn tấn phân bón, trị giá trên 188 triệu USD, tăng tới 112,2% về lượng và 173,4% về giá trị so với cùng kỳ 2011. Trong nửa đầu tháng 5 lại có thêm 60 ngàn tấn phân bón được xuất khẩu, trị giá trên 27 triệu USD. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm nay, lượng phân bón nhập khẩu là 848 ngàn tấn, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), năm 2011 Vinachem đã xuất khẩu phân bón tổng hợp NPK các loại đạt 127 nghìn tấn, tăng 61,1% so với 2010. Ông Nguyễn Tấn Đạt – Giám đốc công ty Phân bón miền Nam – đơn vị thành viên của Vinachem cho biết: năm 2011, sản lượng phân bón xuất khẩu của công ty chiếm tới 24% sản lượng sản xuất và trong năm 2012, công ty sẽ nâng việc xuất khẩu lên 30% để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản xuất. Hiện công ty đã xuất khẩu đi một số thị trường chính như Thái Lan và các nước châu Phi; trong đó châu Phi là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu phân bón, bởi nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Riêng năm 2011, mặc dù mới tiến hành thăm dò xuất khẩu nhưng kim ngạch xuất khẩu của công ty vào thị trường châu Phi đã đạt 9 triệu USD. Ông Đạt cũng cho biết, thị trường Úc, Newzealand đang có nhu cầu lớn về phân bón không qua chế biến, nên công ty cũng đang tính toán đầu tư sản xuất để phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc công ty CP Phân bón Bình Điền, năm nay, xuất khẩu phân bón gia tăng mạnh là do nhiều loại hàng chủ lực như: ure, NPK… được sản xuất trong nước, không những đã đủ đáp ứng cho nhu cầu nội địa mà còn dư thừa. Phân ure do Nhà máy đạm Cà Mau và Nhà máy đạm Phú Mỹ sản xuất đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Phân NPK vốn đã được xuất khẩu từ mấy năm qua, năm nay lượng xuất khẩu lại càng tăng mạnh. Riêng với Bình Điền, năm nay đặt kế hoạch xuất khẩu 130 ngàn tấn NPK thương hiệu Đầu Trâu sang Lào và Campuchia, đến nay đã xuất được trên 60 ngàn tấn.

Ông Nguyễn Duy Khuyến – Tổng giám đốc công ty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao cho hay: năm 2012 công ty cũng đang có kế hoạch xúc tiến đưa sản phẩm vào Nhật Bản – một trong những thị trường khó tính, đòi hỏi nguồn phân bón chất lượng cao và ổn định. Thời gian tới đây, công ty sẽ có chuyến khảo sát và giới thiệu, trình diễn mô hình bón phân Lâm Thao tại Nhật Bản. Ông Khuyến hy vọng việc này sẽ mở đầu cho quá trình xuất khẩu phân bón chất lượng cao của Supe Phốt phát Lâm Thao sang các nước tiên tiến.

Kinh nghiệm từ những doanh nghiệp đi trước

Nói về kinh nghiệm xuất khẩu, Tổng giám đốc Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) Cao Hoài Dương chia sẻ: Nắm bắt được xu hướng dư thừa đạm urê, ngay từ năm 2010 và 2011, PVFCCo đã tập trung vào công tác nghiên cứu, chuẩn bị thị trường. Cùng với việc cân đối để đảm bảo nhu cầu phân bón ở thị trường trong nước, PVFCCo đã bắt đầu hình thành hệ thống phân phối đạm Phú Mỹ tại một số nước trong khu vực như: Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma. Tại Cam-pu-chia, PVFCCo đã thành lập chi nhánh để tiến hành các hoạt động kinh doanh phân bón và chuẩn bị thị trường cho công tác xuất khẩu sau này. Bên cạnh đó, năm 2011, PVFCCo đã ký kết biên bản ghi nhớ đặt quan hệ đối tác với những công ty thương mại phân bón quốc tế lớn như Mitsubishi, Sojitz và Transammonia về việc xuất khẩu phân đạm ngay khi nhu cầu trong nước đã được cung ứng đầy đủ.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định: trong năm nay, sản lượng nhiều loại phân bón chủ lực sẽ ở mức rất cao. Chẳng hạn, sản lượng NPK sẽ đạt trên 4 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng trên 3 triệu tấn. Sản lượng urê từ các nhà máy đạm Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình, Hà Bắc, cũng sẽ vượt xa so với nhu cầu khoảng 1,8 triệu tấn. Xuất khẩu phân bón năm nay cũng không cần phải có giấy phép như những năm trước. Do đó, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu phân bón ra nước ngoài.

Để hỗ trợ thêm cho các DN xuất khẩu phân bón, ông Thúy cũng đề nghị: Giá phân bón phụ thuộc nhiều vào giá than và giá khí, giá quặng apatit, bởi đây là nguồn nguyên liệu và nhiên liệu đầu vào chủ yếu để sản xuất phân bón. Vì vậy, cùng với việc nghiên cứu chính sách giá bán nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào này hợp lý đảm bảo lợi ích của các bên, Bộ Tài chính cần sớm có chính sách thuế xuất nhập khẩu phù hợp, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu phân bón.

Chia sẻ thêm kinh nghiệm với các DN xuất khẩu, ông Nguyễn Tấn Đạt cho hay: Hiện thị trường châu Phi đang có nhu cầu lớn về phân bón các loại nhưng xuất khẩu vào thị trường này cũng khá rủi ro, bởi các ngân hàng ở các nước châu Phi không đảm bảo về thanh toán. Vì vậy, nếu Chính phủ Việt Nam ký được Hiệp định bảo đảm thanh toán với chính phủ các nước châu Phi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu không bị thiệt hại thì kim ngạch xuất khẩu phân bón vào lục địa đen có thể nâng lên rất cao.

 

Tin liên quan