Tháng 3.2012, ĐBSCL bước vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân 2011-2012. Trái với thông lệ, năm nay nhiều nông dân phải chạy đôn chạy đáo và chấp nhận trả giá gấp đôi vụ trước mà vẫn khó tìm được phương tiện thu hoạch.
Lúa đông xuân 2011 – 2012 ở ĐBSCL: Hết đường lùi!
Có người đổ lỗi cho mưa trái mùa kèm dông lốc làm lúa đổ ngã, gây áp lực thu hoạch. Còn theo các chuyên gia, thời tiết chỉ là giọt nước làm tràn chiếc ly vốn chứa đầy bất ổn trong lĩnh vực thu hoạch lúa.
Nhiều nông dân phải bám sát máy gặt đập liên hợp như thế này mà vẫn khó có cơ hội thu hoạch sớm. Ảnh: Lục Tùng |
Hơn “mò kim đáy biển”
Đã hơn 11 giờ trưa, nhưng ông Huỳnh Văn Phưởng – nông dân xã An Long (huyện Tam Nông – Đồng Tháp) vẫn hộc tốc chạy vào trụ sở HTX nông nghiệp Phú Thọ để tìm “chủ nhiệm” Mai Thanh Liêm. “Chú Hai có quen chủ máy nào nói giúp họ cắt lúa giùm, giá bao nhiêu tui cũng chịu” – vừa đến cổng trụ sở, tiếng ông Phưởng đã vọng vào. Là chỗ láng giềng, nên anh Liêm nhận giúp ngay. Tranh thủ lúc anh Liêm đang liên lạc, tôi hỏi thăm và được biết, đây là ngày thứ năm liên tiếp ông Phưởng chạy tìm mà vẫn chưa thấy máy gặt đập liên hợp (MGĐLH). Sau gần chục lần bấm máy và nài nỉ, nhưng anh Liêm mà vẫn không được “chiến hữu” chủ MGĐLH nhận lời. Đang nhấp nhỏm, vừa nghe kết quả, ông Phưởng chạy ào ra xe tiếp tục hành trình tìm MGĐLH. Đây cũng là tình cảnh mà nhiều nông dân trồng lúa ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… nếm trải. Nhiều nơi lúa chín vàng đồng, nhưng vẫn chưa thể thu hoạch vì các khổ chủ không tìm được phương tiện thu hoạch.
Ngoài ra, trong điều kiện mưa liên tục như hiện nay, nhiều thửa lúa bị ngã đổ, nếu kéo dài thời gian thu hoạch lên 5 – 10 ngày, lớp lúa rụng, lớp lên mộng cầm, thiệt hại lên đến 10 – 30%. Bởi vậy, nhu cầu MGĐLH càng lớn. Ở cuộc đua tìm MGĐLH, người đến sau kêu giá cao hơn người đến trước, cứ thế chỉ trong tuần lễ, giá cắt lúa ở ĐBSCL đã tăng từ lên đến 500, thậm chí là 600 ngàn đồng/công, nếu lúa bị ngã, nền đất lầy lội… tức cao gấp đôi vụ trước. Những hộ không tìm được MGĐLH, phải thuê công cắt tay thì chi phí cắt – suốt lên đến 700 – 800 ngàn đồng/công.
Thời tiết, giọt nước tràn ly
Lý giải cho hiện tượng mới này, nhiều người đã đổ lỗi cho thời tiết: Mưa trái mùa làm lúa đổ ngã, làm giảm công suất MGĐLH. Ông Đoàn Văn Rép – chủ MGĐLH ở xã Tân Phước (Tân Hồng, Đồng Tháp) xác nhận: Mưa, nền ruộng bùn lầy, máy khó di chuyển nên phải tiêu hao nhiều nhiên liệu, đã vậy công suất lại giảm trên 50%.
Không phản bác nhận định này, nhưng theo Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phú Thọ (An Long – Tam Nông – Đồng Tháp) Mai Thanh Liêm, còn có nguyên nhân xuất phát từ mối quan hệ lỏng lẻo giữa chủ MGĐLH và nông dân: Phần lớn nông dân đợi đến thời điểm cắt mới đi tìm phương tiện, còn các chủ MGĐLH vì lợi nhuận cũng liên tục nhảy… Chỉ cần một vài ngày kém hiệu quả là họ “rứt áo ra đi” và chấp nhận chi mức hoa hồng 5 – 10% cho “cò” để tìm mối làm ăn trên địa bàn mới. Chính điều này càng khoét sâu thêm nạn thừa – thiếu của chiếc “chăn hẹp” mang tên MGĐLH, mà trường hợp của ông Huỳnh Văn Phưởng là điển hình. Mấy năm trước khi thời tiết thuận lợi, ông Phưởng chỉ đợi chủ máy suốt ở địa phương khác vì giá rẻ, vì vậy giờ đây khi chủ cũ không đến, ông khó tìm được sự chiếu cố của các chủ máy tại chỗ.
Trong khi đó theo các chuyên gia, thời tiết chỉ là là giọt nước làm tràn ly. Bởi theo tính toán, với diện tích gieo trồng mỗi vụ lên đến 1,6 triệu hécta, toàn vùng ĐBSCL cần 10 ngàn MGĐLH. Thế nhưng đến nay, số MGĐLH mới đáp ứng được 50% nhu cầu. Đặc biệt, có nhiều tỉnh tỉ lệ này thấp báo động: Cà Mau, Bến Tre (5%), Bạc Liêu (11%). Tình hình càng trầm trọng hơn khi thời gian gần đây, các “cò” thu mua đã lợi dụng tình trạng “cháy” MGĐLH để o ép nông dân. Ông Mai Thanh Liêm cho biết: Sau khi câu kết với chủ máy, “cò” thẳng thừng “đặt điều kiện”: Ai đồng ý bán lúa với giá do tôi đưa ra sẽ được ưu tiên thu hoạch.
Nước xa khó cứu được lửa gần
Câu chuyện “sau thu hoạch” đã được trung ương và nhiều địa phương ở ĐBSCL quan tâm bằng việc ban hành nhiều chính sách ưu đãi, kích thích mua sắm, trang bị MGĐLH nói riêng, thiết bị phục vụ sau thu hoạch nói chung. Nhà nước đã có chủ trương cho vay 100% giá trị máy móc, thiết bị sản xuất trong nước với tỉ lệ nội địa hóa trên 60% và có nhãn hàng hóa; đồng thời hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu và 50% năm thứ ba. Thế nhưng theo TS Đỗ Minh Nhựt – Phó GĐ Sở NNPTNT Kiên Giang – cho biết: Rất ít người tiếp cận vốn ưu đãi với điều kiện tỉ lệ nội địa trên 60%. Có nhiều lý do, nhưng cơ bản là do thiết bị nội địa thiếu phụ tùng đồng bộ, công tác hậu mãi như bảo trì, sửa chữa… chưa làm cho người mua an tâm.
Còn theo ThS Nguyễn Phước Tuyên – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp) – nhiều khả năng phong trào mua sắm MGĐLH sẽ chùng xuống: “Do hoạt động trong môi trường khắc nghiệt nên MGĐLH nhanh hư hỏng, nhưng trên thực tế ĐBSCL lại đang rất thiếu kỹ sư cơ khí do nhiều năm các trường ĐH Cần Thơ, Nông – Lâm TPHCM đã ngừng đào tạo”. Đến nay, cả ĐBSCL chưa có trường đào tạo công nhân lái MGĐLH. Đa số chỉ làm việc theo kiểu “quen tay, quen chân”.
Lục Tùng
theo laodong
-
CHÍNH THỨC ÁP THUẾ GTGT 5% ĐỐI VỚI PHÂN BÓN
Ngày 26 tháng 11 năm 2024, Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 đã được Quốc hội nước Cộng hoà...
-
APROMACO TỔ CHỨC HỘI NGHỊ KHÁCH HÀNG KHU VỰC NGHỆ AN – HÀ TĨNH TẠI ĐÀ NẴNG
Nhằm chuẩn bị cung ứng phân bón cho bà con nông dân trong vụ Đông Xuân 2024-2025, Công ty Cổ...
-
Sau hoàn lưu bão số 3 (bão YAGI), miền Bắc đã có mưa rất lớn. Hiện nay mực nước tại...
-
APROMACO THÔNG BÁO VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ỨNG PHÓ VỚI CƠN BÃO SỐ 3 NĂM 2024 (BÃO YAGI)
Theo thông tin mới nhất về cơn bão số 3 (YAGI), là cơn bão có cường độ rất mạnh, mức...
-
Ngày 12/6/2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình đã có chuyến công tác, gặp...
-
BÀN VỀ ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI THUẾ GTGT VỚI MẶT HÀNG PHÂN BÓN
Trong những ngày trung tuần tháng 6 này, thời tiết ở miền Bắc, miền Trung nhất là Thủ đô Hà...