x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

Lãng phí sử dụng phân bón

Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là một trong những vật tư quan trọng, góp phần đáng kể làm tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản. Đặc biệt đối với cây lúa, phân bón giúp tăng năng suất lên 35- 60% so với khi chưa sử dụng.

Bón phân chưa đúng lượng và đúng cách

TS Trương Hợp Tác, Trưởng phòng đất & phân bón – Cục Trồng trọt cho biết, tính từ năm 1985 đến nay, tổng diện tích gieo trồng ở nước ta chỉ tăng 57,7%, nhưng lượng phân bón sử dụng tăng tới 517%. Tổng kết năm 2008, tổng lượng phân bón vô cơ các loại được sử dụng là 2,4 triệu tấn/năm, trong đó: bón cho lúa 1.683 nghìn tấn (chiếm 65,57%);

bón cho cây công nghiệp và cây lâu năm 389 nghìn tấn (chiếm 14,76%); ngô 230 nghìn tấn (chiếm 8,96%), mía 90 nghìn tấn (chiếm 3,51%); rau quả 41 nghìn tấn (chiếm 1,60%); đậu tương 2 nghìn tấn (chiếm 0.08%). Ngoài phân bón vô cơ hàng năm nước ta còn sử dụng hàng triệu tấn phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh các loại.

Theo tính toán ở nước ta hiện nay hiệu suất sử dụng phân đạm mới chỉ đạt 30-45%, phân lân đạt 40-45%, phân kali đạt 40- 50%. Hiệu suất sử dụng phân bón khác nhau tuỳ theo chân đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón phân, chất lượng phân bón. Hàng năm, lượng phân bón vào đất nhưng không được cây trồng sử dụng chiếm khối lượng rất lớn: 1,77 triệu tấn urê, 2,07 triệu tấn supelân, 344 nghìn tấn kali bi lãng phí. Trong số phân bón chưa được cây trồng sử dụng, một phần tích tụ lại trong đất một phần bị rửa trôi theo nước mặt do mưa, theo các công trình thuỷ lợi ra ao hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước.

Xét về mặt kinh tế, khoảng 2/3 lượng phân bón hàng năm đã không được sử dụng cho cây trồng đồng nghĩa với việc 2/3 lượng tiền của nông dân bỏ ra mua phân bón bị lãng phí, khiến tổng thất thoát do sử dụng thừa phân bón lên tới khoảng 30 nghìn tỷ đồng (tính theo giá phân bón hiện nay). Xét về mặt môi trường, trừ một phần phân bón được giữ lại trong các hạt keo đất làm nguồn dinh dưỡng dự trữ cho vụ sau, hàng năm một lượng lớn phân bón bị rửa trôi hoặc bay hơi đã gây ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống. Trong đó, tác động do phân bón cho lúa gây ra đối với ô nhiễm môi trường là vấn đề đáng được quan tâm nhất, vì phần lớn lượng phân bón ở nước ta được dành cho sản xuất lúa.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, việc bón phân có vùi lấp làm tăng hiệu suất sử dụng phân bón của cây trồng tới 70-80% so với phương pháp bón rải trên bề mặt đất. Các yếu tố dinh dưỡng vi lượng như đồng, kẽm… rất cần thiết cho cây trồng và có khả năng nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh. Thế nhưng hầu hết các loại phân bón ở nước ta ít bổ sung các vi chất này, khiến ở một số vùng đất, nhiều loại cây trồng biểu hiện triệu chứng thiếu dinh dưỡng rõ rệt mặc dù phân bón vẫn nhiều. Tình trạng sử dụng mất cân đối giữa các loại phân bón đang là vấn đề rất phổ biến ở nông thôn hiện nay.

Tác hại tới môi trường và sức khoẻ con người

Dư thừa đạm trong đất hoặc trong cây trồng đều gây nên những tác hại đối với môi trường và sức khoẻ con người. Trong những thập niên gần đây, hàm lượng nitrat (NO3) trong nước uống đã tăng lên đáng kể, nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng phân đạm vô cơ tăng đã gây rò rỉ nitrat xuống các mạch nước ngầm. Sử dụng phân bón quá mức cũng sẽ khiến nitrat tích tụ lại nhiều trong các sản phẩm rau, quả. Hàm lượng nitrat  quá mức trong nước uống và thức ăn sẽ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ: gây chứng máu giảm hemoglobin và nguy cơ gây ung thư. Các nghiên cứu về y học gần đây cũng xác định, dư thừa phospho trong các sản phẩm trồng trọt (do bón thừa phân lân) khi ăn vào sẽ làm giảm khả năng hấp thu can xi, gây nguy cơ loãng xương.

Phân bón có ích lợi cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng làm tăng độ màu mỡ của đất, trái lại cũng tác động xấu tới môi trường nếu như không có biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng hợp lý. Theo ông Trương Hợp Tác, cần thiết phải đưa phân bón vào nhóm mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, cần giám sát ngay từ khâu sản xuất nhập khẩu và trong quá trình sử dụng. Để tăng hiệu suất sử dụng phân bón và giảm ô nhiễm môi trường, ông Trương Hợp Tác đề ra nhiều giải pháp. Nông dân phải giảm lượng phân bón và bón các loại phân với tỷ lệ hợp lý. Để hạn chế tối đa lượng phân bón dư thừa trong đất bón phân quá liều các nhà sản xuất phân bón nên đưa thêm các chất có tác dụng làm tăng hiệu suất sử dụng vào trong phân bón. Bên cạnh việc bón những loại phân thông thường, nên sử dụng thêm các loại phân bón có chứa K-humate và các yếu tố đa vi lượng, trung lượng, vi lượng để bổ sung dinh dưỡng cho cây tăng khả năng phục hồi, tăng sức đề kháng của cây trồng đối với những diễn biến phức tạp của thời tiết và sâu bệnh. Nên bón bổ sung các loại phân bón có chứa silic, vì chất này làm tăng khả năng cứng cây, chống được sự đổ ngã, tăng khả năng quang hợp. Cần sử dụng các loại phân bón dạng chậm tan để chúng dễ chìm vào đất tránh bị nước cuốn trôi.

Trồng trọt phải tích cực triển khai chương trình 3 giảm (giảm lượng phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng giống gieo trồng) để đạt được 3 tăng (tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế). Cán bộ nông nghiệp ở các địa phương phải tổ chức hướng dẫn cho nông dân sử dụng phân bón hợp lý theo nguyên tắc “5 đúng”: đúng loại phân bón, đúng lúc, đúng đối tượng cây trồng, đúng thời vụ, đúng cách bón. Làm được như vậy sẽ bết kiệm tối đa lượng phân bón mà vẫn đem lại năng suất cao.

(Nguồn: TBKTVN, 13/3/2009)

 

Tin liên quan