x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

“Núp bóng” xây dựng, sản xuất để khai thác trái phép a-pa-tít ở Lào Cai


San gạt đồi núi, khai thác trái phép quặng a-pa-tít ở xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng).

 Font Size:     |  

Thời gian gần đây, tình trạng “núp bóng” khai thác trái phép quặng a-pa-tít đang rộ lên ở Lào Cai, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và bức xúc trong cán bộ, nhân dân địa phương. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã vào cuộc để chấn chỉnh, xử lý việc vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Khai thác lậu tài nguyên quốc gia

Sau “dịch” khai thác vàng và quặng sắt tạm lắng xuống do bị các ngành chức năng địa phương siết chặt quản lý; đồng thời quặng sắt “tụt” giá thê thảm, tình trạng khai thác lậu quặng a-pa-tít ở Lào Cai lại bùng lên. Điều đó cho thấy, vấn đề khai thác khoáng sản trên địa bàn Lào Cai luôn diễn biến phức tạp. Thời điểm hiện nay, quặng a-pa-tít đang rất “nóng”, do nhu cầu mua nguyên liệu đầu vào của hàng loạt nhà máy sản xuất phân bón, phốt-pho, hóa chất…, tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) tăng cao, trước đây chỉ do Công ty TNHH một thành viên A-pa-tít Việt Nam, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cung ứng. Thấy giá bán cao, lại tiêu thụ mạnh, cho nên thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh “núp bóng” xây dựng trang trại chăn nuôi, đào ao nuôi trồng thủy sản hoặc xin phép cơ quan có thẩm quyền được tận thu, để khai thác trái phép quặng a-pa-tít bán kiếm lời.

Theo khảo sát hiện trường của phóng viên Báo Nhân Dân, nóng nhất trong việc khai thác quặng a-pa-tít trái phép diễn ra ở hai huyện Bát Xát và Bảo Thắng. Tại khu vực mặt bằng của dự án mở rộng công suất Nhà máy luyện đồng Sin Quyền thuộc Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (VIMICO), ở xã Bản Qua, huyện Bát Xát, đơn vị chủ đầu tư đã lấy danh nghĩa “khoan thăm dò địa chất” để đào bới khai thác quặng a-pa-tít. Tại hiện trường, đơn vị này đã đào moong sâu hàng chục mét, rộng chừng 20 m và dài hàng trăm mét, để lại ngổn ngang đất đá. Tại khu vực tái định cư thuộc thôn Châu Giàng, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, trong khi thi công tuyến đường tỉnh lộ 156 Kim Thành – Ngòi Phát và khu tái định cư biên giới ven sông Hồng, phát hiện có quặng a-pa-tít ở phần ven rìa khai trường 26 và 27, đã xin và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, chấp thuận cho tận thu để tránh lãng phí tài nguyên. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã “tận thu” vượt khỏi phạm vi được cấp phép là 4,1 ha, với hàng trăm tấn quặng a-pa-tít bị bóc bán. Trắng trợn nhất, địa bàn thôn Phú Thịnh 1, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, hộ ông Bùi Văn Cùng “núp” dưới danh nghĩa cải tạo ao cạn để chuyển đổi thành trang trại chăn nuôi, đã thuê ba máy gạt, một máy xúc thủy lực gầu ngược loại dung tích lớn san gạt đồi núi, đào moong nhằm mục đích khai thác quặng a-pa-tít; thậm chí kéo cả đường điện ba pha vào khai trường để khai thác quặng lậu vào ban đêm, tổng cộng khoảng 7.000 m3, tương đương 13 nghìn tấn quặng a-pa-tít đã bị khai thác lậu. Tại thôn Nậm Hẻn, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), Công ty TNHH một thành viên Tấn Phát ngang nhiên sử dụng ba máy xúc, một máy gạt, một xe lu và nhiều xe ô-tô tải nặng mở đường vận tải, san gạt đồi núi để lấy quặng trái phép. Theo tìm hiểu của phóng viên, đã có tình trạng một số cá nhân liên kết với doanh nghiệp, được những thế lực ngầm, nhóm lợi ích ở địa phương “bảo kê, chống lưng” khai thác trái phép khoáng sản, làm thất thoát tài nguyên của Nhà nước, thất thu ngân sách và ô nhiễm môi trường nặng nề, nguy cơ sạt lở rất cao trong khi mùa mưa bão đang đến gần, đã gây bức xúc trong cán bộ và nhân dân ở địa phương.

Chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm

Việc quản lý lộn xộn, khai thác và tiêu thụ trái phép quặng a-pa-tít không chỉ làm thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường mà còn làm “đảo lộn” sản xuất, kinh doanh của rất nhiều nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất tại địa phương. Các đầu nậu quặng a-pa-tít lách luật, bán chui cho một số doanh nghiệp, nhà máy, với số lượng và giá cả không được kê khai đúng, đã thoát khỏi sự kiểm soát của cơ quan chức năng, dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, công bằng; phá vỡ nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào của hệ thống các nhà máy sản xuất phân bón, phốt-pho, hóa chất… ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng. Để chặn đứng tình trạng “ăn cướp” tài nguyên một cách trắng trợn, gây nhiều hệ lụy tiêu cực, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong đã chỉ đạo, yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền hai huyện Bát Xát và Bảo Thắng rà soát, tổng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền hai huyện Bát Xát và Bảo Thắng, tại khu vực thuộc dự án nâng công suất mỏ tuyển đồng Sin Quyền, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động “thăm dò địa chất”. Khu vực dự án tái định cư số 2 và thi công tuyến đường Kim Thành – Ngòi Phát, Công ty Cường Thịnh Thi đã ngừng khai thác tận thu, nộp đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuế tài nguyên và đang thực hiện nốt các khoản phải nộp tiền theo quy định. Tại thôn Nậm Hẻn, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, cơ quan chức năng đã đóng cửa, dừng toàn bộ hoạt động lợi dụng danh nghĩa xây dựng trang trại chăn nuôi để san gạt, khai đào quặng trái phép. Tại khu vực thôn Phú Thịnh 1, xã Phú Thịnh, huyện Bảo Thắng, lực lượng chức năng đã đến tận hiện trường, lập biên bản, xử phạt hành chính, dừng toàn bộ hoạt động khai thác trái phép quặng. Hiện, cơ quan công an đang tiến hành điều tra, làm rõ các đối tượng có hành vi “ăn cướp”, ngang nhiên khai thác trái phép hơn 13 nghìn tấn quặng a-pa-tít tại đây.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai Nguyễn Thành Sinh khẳng định, đến nay, tất cả các điểm nóng khai thác quặng a-pa-tít trái phép đã dừng hoạt động, tiến hành kê khai, kiểm đếm số lượng quặng đã tiêu thụ, số lượng quặng còn tồn đọng, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và phí theo quy định, đồng thời hoàn nguyên môi trường theo yêu cầu của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, cần làm rõ trách nhiệm quản lý khoáng sản và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ở địa phương theo luật định.

Bài và ảnh: QUỐC HỒNG

Theo Nhan dân online

Tin liên quan