Nhà máy Đạm Ninh Bình (Vinachem) sử dụng công nghệ lạc hậu nên thường xuyên trục trặc.
Theo đề xuất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Bộ Tài chính đang xin ý kiến một số bộ, ngành liên quan, dự kiến sẽ tăng thuế suất thuế nhập khẩu phân u-rê và DAP lên gấp hai lần (từ 3% lên 6%). Hầu hết ý kiến các chuyên gia và người dân đều không đồng tình với đề xuất nêu trên.
Phó Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Lưu Đức Huy cho biết, Bộ Tài chính nhận được công văn của Vinachem đề nghị tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước, đề xuất về điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng phân bón. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính thực hiện quy trình xây dựng chính sách, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Đối với mặt hàng phân urê, mức thuế suất u-rê đã điều chỉnh tăng từ 0% lên 3% áp dụng từ đầu năm 2014 để khuyến khích sản xuất u-rê trong nước, góp phần làm giảm lượng nhập khẩu u-rê. Mặt hàng phân u-rê sản xuất trong nước đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nước, cộng với lượng tồn kho lớn,… là những căn cứ để Bộ Tài chính xem xét, dự kiến điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với u-rê và DAP lên 6% (bằng mức trần cam kết WTO), còn mặt hàng phân NPK hiện mức thuế nhập khẩu 6%, được coi là mức cao nhất theo cam kết WTO. Bộ Tài chính phân tích, tăng thuế phân DAP để khuyến khích sản xuất DAP trong nước, đồng thời hạn chế nhập khẩu DAP từ Trung Quốc, đặc biệt trong tình hình hiện nay.
Trong công văn, Vinachem lý giải, mặc dù đã chỉ đạo các đơn vị thành viên “đẩy mạnh sản xuất, tiết giảm chi phí, giảm hàng tồn kho”, song các chỉ tiêu chính về sản xuất, doanh thu đều thấp, trong đó phân bón đạt thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vinachem hiện đang tồn kho 685 nghìn tấn phân bón; trong đó, u-rê tồn kho 138 nghìn tấn (tăng gần 900%), NPK tồn kho 274 nghìn tấn (tăng 19%). Nguyên nhân do lượng phân urê và NPK nhập khẩu cuối năm 2013, đầu năm 2014 tăng mạnh so cùng kỳ, trong khi sản lượng u-rê của bốn nhà máy trong nước đã dư khoảng 300 nghìn tấn/năm. Do đó, Vinachem đề nghị tăng thuế nhập khẩu u-rê lên mức 7%, NPK và DAP lên 8%. Tuy nhiên, trái ngược với nhận định của Vinachem, rằng lượng phân u-rê nhập khẩu “tăng mạnh so cùng kỳ”, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng phân u-rê trong hơn bốn tháng đầu năm là gần 30 nghìn tấn (kim ngạch 8,9 triệu USD), giảm 69% về lượng và 72% về giá trị so cùng kỳ 2013.
Điều mà cả Bộ Tài chính lẫn Vinachem không hề nhắc đến, là giá bán phân bón trong nước hiện đang cao hơn giá bán phân bón cùng loại nhập khẩu. Phân bón là sản phẩm đầu vào thiết yếu trong nông nghiệp, buộc phải sử dụng với số lượng lớn nhằm phục vụ sản xuất. Trước đề xuất của Vinachem và quan điểm của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu như đồng thời với dự kiến tăng thuế nhập khẩu phân bón, các nhà quản lý cũng đề ra các giải pháp làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành phân bón sản xuất trong nước, đó mới vì lợi ích của nông dân. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam Nguyễn Đình Hạc Thúy, hiện giá u-rê do các doanh nghiệp sản xuất trong nước bán ra dao động trong khoảng từ 7.500 đồng đến 8.000 đồng/kg, đắt hơn phân u-rê nhập khẩu khoảng 1.000 đồng/kg. Đây là nghịch lý lớn, mặc dù phân bón nhập khẩu phải chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, cước phí vận chuyển, bảo hiểm,…nhưng giá bán vẫn thấp hơn phân bón trong nước. Vì thế, đề xuất tăng thuế nhập khẩu phân bón của Vinachem tại thời điểm này là không phù hợp.
Nhà máy Đạm Ninh Bình của Vinachem, tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng đã không đạt được kỳ vọng trở thành “quả đấm thép” trong việc chủ động nguồn phân bón sản xuất trong nước, do sử dụng công nghệ lạc hậu. Quá trình vận hành, sản xuất thường xuyên trục trặc, hiện nay công suất chỉ dao động khoảng 200 nghìn tấn/năm, không đạt yêu cầu. Từ khi đi vào hoạt động (đầu năm 2012), nhà máy liên tục thua lỗ: năm 2012, lỗ 75 tỷ đồng; năm 2013, lỗ 759 tỷ đồng; ước sáu tháng năm nay, lỗ 237 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến nay gần 1.100 tỷ đồng. Chắc chắn khi thuế nhập khẩu u-rê tăng lên, áp lực cạnh tranh và gánh nặng thua lỗ của Đạm Ninh Bình sẽ được “chuyển sang vai” người nông dân.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú (An Giang) Ngô Văn Thi, nông dân luôn ủng hộ sử dụng phân bón sản xuất trong nước, nhằm nâng cao thị phần mặt hàng u-rê và DAP trong nước. Tuy nhiên, nếu tăng thuế, song song với đó phải nâng cao chất lượng phân bón trong nước. Sở dĩ nông dân vẫn sử dụng nhiều phân bón nhập khẩu vì phân nhập khẩu vẫn tốt hơn phân bón sản xuất trong nước. Đơn cử, 1.000 m 2 đất lúa, nếu bón phân nhập ngoại chỉ khoảng 30 kg, nhưng phân trong nước phải ngót nghét 50 đến 60 kg. Vả lại, nếu tăng thuế nhập khẩu, liệu các doanh nghiệp phân bón của Việt Nam với lợi thế cạnh tranh có “té nước theo mưa”, độc quyền thị trường rồi nâng giá không? Nếu xảy ra tình trạng ấy, nông dân sẽ phải chịu cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”. Anh Trần Văn Chặt, ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang), canh tác 1,2 ha đất tại ấp Giồng Cát cũng tỏ ý băn khoăn: “Phân bón nhập khẩu lúc nào cũng có sẵn, còn phân trong nước cung ứng nhỏ giọt, cứ vào vụ lại rục rịch tăng giá. Nếu tăng thuế nhằm tăng số lượng tiêu thụ phân bón trong nước, nông dân chúng tôi sẵn sàng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Song Nhà nước phải có cơ chế về giá đối với phân trong nước với giá cả nông sản đầu ra hợp lý. Nông dân sợ chuyện độc quyền các loại vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp lắm rồi!”.
Theo một chủ đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong thời gian qua, điều lạ là giá u-rê nhập khẩu biến động, giá u-rê trong nước cũng biến động theo. Vì thế, rất có khả năng giá u-rê trong nước tăng theo giá nhập khẩu trong trường hợp thuế nhập khẩu tăng.
Việc tăng thuế nhập khẩu để kéo giá phân bón ngoại bằng giá phân bón trong nước, sẽ phát sinh hệ quả trực tiếp khuyến khích doanh nghiệp phân bón trong nước duy trì chi phí sản xuất cao, giá thành sản phẩm cao, đi ngược các nguyên tắc thị trường và đẩy thiệt thòi về phía nông dân. Do đó, một số chuyên gia cho rằng cũng không quá lời khi nhận định đề xuất tăng thuế nhập khẩu phân bón của Bộ Tài chính và Vinachem có dấu hiệu của việc bảo vệ lợi ích nhóm.
Mặc dù đã được nhiều chính sách hỗ trợ, bảo vệ, nhưng thực tế, phân bón trong nước vẫn chưa vượt được phân bón nhập khẩu cả về giá lẫn chất lượng, cho thấy công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý chi phí và giá thành của một số doanh nghiệp phân bón đang “có vấn đề”. Hiện đại hóa sản xuất, quản lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng và kiểm soát chặt các khâu phân phối làm động lực phát triển thật sự, giúp nông dân yên tâm sản xuất mới thật sự là giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài và bền vững của doanh nghiệp phân bón. Độc quyền sẽ dẫn tới kìm hãm sự phát triển là bài học đối với mọi chính sách thị trường, và bài toán thuế nhập khẩu phân bón cũng không ngoại lệ.
Tổng nhu cầu phân DAP trong nước hiện đạt khoảng 900 nghìn tấn/năm, trong khi sản xuất đã đạt hơn 300 nghìn tấn/năm, nếu không kiểm soát nhập khẩu có thể sẽ dư thừa. Việc tăng thuế để bảo vệ sản xuất phân bón trong nước là cần thiết nhưng không loại trừ khả năng doanh nghiệp có thể thao túng giá để tăng lợi nhuận. Vì vậy, nhà quản lý, điều hành chính sách phải cân nhắc thời điểm, bối cảnh như hiện nay, làm sao để bảo vệ người nông dân. Thời gian qua, xuất khẩu gạo giảm giá, Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ nông dân tạm trữ lúa gạo, nếu tăng thuế nhập khẩu phân bón sẽ càng đẩy nông dân vào chỗ khó khăn hơn. Đại diện Công ty cổ phần Vật tư nông sản (Apromaco)
Bộ Tài chính khẳng định, không có chuyện đã tăng thuế nhập khẩu phân bón, hiện vẫn đang xin ý kiến các bộ, ngành và các hiệp hội liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Việc điều hành chính sách thuế của Bộ luôn theo nguyên tắc: Bảo hộ sản xuất trong nước có chọn lọc, có điều kiện, có thời hạn, phù hợp cam kết quốc tế và bảo đảm hài hòa lợi ích, quyền lợi chung của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước chứ không vì một nhóm doanh nghiệp nào, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Lưu Đức Huy, Phó Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính)
NHÓM PHÓNG VIÊN
(Theo báo Nhân Dân số ra ngày 30/7/2014)
-
APROMACO THÔNG BÁO VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ỨNG PHÓ VỚI CƠN BÃO SỐ 3 NĂM 2024 (BÃO YAGI)
Theo thông tin mới nhất về cơn bão số 3 (YAGI), là cơn bão có cường độ rất mạnh, mức...
-
NẾU ÁP THUẾ VAT 5% VỚI PHÂN BÓN, NÔNG DÂN SẼ CHỊU THIỆT?
Chính phủ đề xuất áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% với phân bón, song cơ quan thẩm tra...
-
ĐẠI HỘI HIỆP HỘI PHÂN BÓN VIỆT NAM KHÓA VI (2024 – 2029)
Ngày 2 tháng 8 năm 2024 tại Hà Nội, Ban Chấp hành Hiệp hội Phân bón Việt Nam (Fertilizer Association...
-
Ngày 12/6/2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình đã có chuyến công tác, gặp...
-
BÀN VỀ ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI THUẾ GTGT VỚI MẶT HÀNG PHÂN BÓN
Trong những ngày trung tuần tháng 6 này, thời tiết ở miền Bắc, miền Trung nhất là Thủ đô Hà...
-
APROMACO TIẾP ĐÓN ĐOÀN ĐẠI BIỂU NITRON GROUP LLC VÀ LÀM VIỆC VỚI DAP-VINACHEM
Triển khai kế hoạch công tác năm 2024 đã được ký kết giữa Apromaco và Nitron Group LLC, từ 6-8/06/2024,...