x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

TPP – GÓC NHÌN TỪ APROMACO

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới giữa 12 nền kinh tế thuộc hai bên bờ Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam (ngoài ra gồm có 4 nước Châu Á: Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei; 2 nước Châu Đại Dương: Australia, New Zealand và 5 nước Châu Mỹ: Canada, Hoa Kỳ, Mexico, Peru, Chile). Sau hơn 5 năm đàm phán, Hiệp định này đã hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2015 vừa qua và đã được ký chính thức vào ngày 04/02/2016 (tại New Zealand) và dự kiến sẽ có hiệu lực vào khoảng năm 2018.

 

Hiệp định này có khối lượng cam kết lớn nhất, phức tạp nhất mà Việt Nam từng có cho tới thời điểm hiện tại. Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu, TPP chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các Doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu và tận dụng được các cam kết này là thách thức lớn đối với các Doanh nghiệp Việt Nam.

pvd1

Việc tìm hiểu TPP trước khi có hiệu lực chính thức là điều rất quan trọng để có sự chuẩn bị thích hợp, tận dụng các cơ hội về thị trường, thể chế cũng như vượt qua các thách thức cạnh tranh mà TPP tạo ra. Ví dụ, để được hưởng ưu đãi thuế quan trong TPP, hàng hóa sản xuất ra phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ, và doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh dây chuyền sản xuất, thiết lập nguồn cung nguyên liệu mới để đáp ứng quy tắc này cũng như tìm kiếm các khách hàng tại các thị trường TPP. Những công việc này đều cần thời gian, thậm chí là khá dài. Vì vậy, Doanh nghiệp cần có hành động chuẩn bị từ bây giờ để tận dụng tốt nhất “khoảng chờ” quý giá này.

 

Về thời hạn hiệu lực của TPP: TPP sẽ chính thức có hiệu lực theo một trong 3 cách:

- Cách 1: Sau 60 ngày kể từ ngày mà tất cả các nước thành viên TPP thông báo cho quốc gia đóng vai trò là Cơ quan lưu chiểu của Hiệp định là New Zealand về việc đã hoàn tất các thủ tục pháp lý (phê chuẩn) nội bộ của mình;

- Cách 2: Nếu trong vòng 2 năm kể từ ngày TPP được ký kết mà Hiệp định chưa thể có hiệu lực theo cách 1 nhưng có ít nhất 6 nước thành viên chiếm ít nhất 85% tổng GDP của khu vực (tức là ít nhất phải bao gồm Hoa Kỳ và Nhật Bản) thông báo đã hoàn tất các thủ tục pháp lý nội bộ, thì Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn 2 năm đó.

- Cách 3: Nếu cả 2 trường hợp trên không xảy ra thì Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước thành viên chiếm ít nhất 85% tổng GDP của khu vực thông báo hoàn tất thủ tục pháp lý nội bộ.

 

Như vậy cần lưu ý là TPP có thể sẽ không đồng loạt có hiệu lực ở tất cả các nước thành viên và việc TPP có hiệu lực với Việt Nam vào thời điểm nào không hoàn toàn phụ thuộc vào Việt Nam mà còn liên quan tới nhiều nước TPP khác, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam có thể hoàn toàn chủ động được việc Hiệp định sẽ có hiệu lực với mình ngay trong đợt đầu hay sau đó. Nếu là đợt đầu, TPP sẽ có hiệu lực tự động với Việt Nam; nếu là đợt sau, Việt Nam có thể sẽ phải chờ ý kiến đồng ý của các nước TPP khác. Việc phải chờ ý kiến chấp thuận của các nước khác là rất rủi ro, bởi có thể các nước khác sẽ đòi hỏi thêm các nhượng bộ khác ngoài cam kết đã đưa ra trong đàm phán trước khi chấp thuận. Do đó, phía các Doanh nghiệp Việt Nam thông qua các Hiệp hội DN cùng các cơ quan có thẩm quyền rà soát, vận động và thực hiện các bước để Việt Nam sớm phê chuẩn TPP và nằm trong nhóm nước TPP có hiệu lực đợt đầu.

 

Cam kết ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa: Một vấn đề quan trọng trong FTA nói chung và TPP nói riêng là vấn đề ưu đãi thuế quan cho hàng hóa của nhau. Trong TPP, các cam kết về thuế quan được thể hiện chi tiết theo từng dòng thuế trong Biểu thuế và mỗi nước TPP sẽ có một biểu cam kết thuế quan riêng áp dụng cho từng đối tác hoặc cho tất cả các đối tác TPP. Việt Nam nằm trong số 7 nước TPP đưa ra Biểu thuế quan áp dụng chung cho tất cả các đối tác TPP khác cùng với: Australia, Brunei, Malaysia, New Zealand, Peru và Singapore.

 

Việc cam kết dành ưu đãi thuế quan trong TPP thường là theo 3 hình thức:

– Cam kết loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định chính thức có hiệu lực: Đối với các trường hợp này, thuế quan sẽ là 0% vào thời điểm TPP có hiệu lực.

– Cam kết loại bỏ thuế quan theo lộ trình: Thuế quan sẽ được đưa về 0% nhưng không phải ngay khi TPP có hiệu lực mà là sau một khoảng thời gian nhất định. Trong TPP, phần lớn lộ trình giảm thuế là 3-7 năm, tuy nhiên cũng nhiều trường hợp lộ trình là 10, 15 năm, cá biệt có trường hợp lộ trình trên 20 năm.

– Cam kết hạn ngạch thuế quan: Đối với các trường hợp này, thuế quan chỉ giảm hoặc loại bỏ với một số lượng, khối lượng hàng hóa…nhất định (gọi là mức hạn ngạch), còn vượt qua khỏi mức hạn ngạch thì thuế quan sẽ cao hơn (hoặc thuế quan không được ưu đãi).

 

Như vậy, Doanh nghiệp cần quan tâm tới các ưu đãi thuế của các nước TPP dành cho Việt Nam và của Việt Nam dành cho các nước TPP và tra cứu cam kết một cách chi tiết Biểu cam kết của từng thị trường liên quan.

 

Đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào TPP, các nước TPP cam kết cho Việt Nam:

– Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lức cho khoảng 78-95% số dòng thuế trong biểu thuế;

– Đến cuối lộ trình giảm thuế, sẽ xóa bỏ đến 97-100% số dòng thuế trong biểu thuế.

Lộ trình xóa bỏ thuế là 5-10 năm đối với hàng hóa thông thường và trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hàng hóa nhạy cảm.

 

Đối với Nông nghiệp, Hoa Kỳ xóa bỏ ngay 55,4% số dòng thuế Nông nghiệp (tương đương 98% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam) ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó có gạo, mật ong, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, rau quả. Vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tổng số dòng thuế đối với sản phẩm nông nghiệp được xóa bỏ là 97,4%. Hoa Kỳ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 35 dòng thuế đường và sản phẩm chứa đường.

 

Đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam: Việt Nam đưa ra một biểu thuế quan ưu đãi theo từng dòng thuế và áp dụng chung cho tất cả các đối tác TPP. Theo đó, Việt Nam cam kết:

– 65,8% số dòng thuế được loại bỏ về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực;

– 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực;

– 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực

– Các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Ví dụ:

– Đối với Phân bón, gạo, Dệt may, giầy dép: Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực

– Đối với sắt thép, xăng dầu: Chủ yếu xóa bỏ thuế vào năm thứ 11

pvd2

Hội nghị đối thoại giữa Doanh nghiệp (Trong đó có Apromaco) và các Chuyên gia Kinh tế ngay trước khi TPP được ký chính thức: Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch UB Tư vấn chính sách TMQT VCCI, Ông Võ Chí Thành, Chuyên gia Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW.

 

Về quy tắc xuất xứ trong TPP: Theo TPP thì một sản phẩm hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ TPP nếu thuộc một trong 3 trường hợp sau đây:

– Trường hợp 1: Có xuất xứ thuần túy

– Trường hợp 2: Hàng hóa được sản xuất toàn bộ trong khu vực TPP và chỉ từ các nguyên liệu có xuất xứ từ TPP

– Trường hợp 3: Hàng hóa được sản xuất tại TPP, sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ từ TPP nhưng đáp ứng được các quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng quy định trong phụ lục (đây sẽ là trường hợp chủ yếu).

 

Đối tượng được chứng nhận xuất xứ bao gồm cả người nhập khẩu, người xuất khẩu và người sản xuất.

 

Trên đây là những nét chung nhất về cam kết thuế quan, mở cửa thị trường chỉ đối với hàng hóa trong TPP. Ngoài ra, TPP còn đề cập đến rất nhiều khía cạnh bao gồm cam kết Dịch vụ, đầu tư; Mua sắm công và DNNN; Sở hữu trí tuệ; Lao động, môi trường; Cạnh tranh – Thương mại Điện tử – DN vừa và nhỏ; Minh bạch, chống tham nhũng và giải quyết tranh chấp cũng nên được các DN đầu tư nghiên cứu.

 

Thực tế, TPP không phải là FTA (Hiệp định thương mại tự do) đầu tiên mà Việt Nam tham gia, cũng không phải là FTA thế hệ mới duy nhất mà Việt Nam đã hoàn tất đàm phán cho tới thời điểm này. Tuy nhiên, với việc có tới 2 trong số 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Hoa Kỳ và Nhật Bản), tạo ra thị trường rộng lớn với khoảng 800 triệu dân, GDP cộng gộp của 12 nước chiếm 40% tổng GDP toàn cầu và lưu lượng giao dịch hàng hóa chiếm 30% thương mại toàn cầu thì TPP được dự báo sẽ là FTA có tác động lớn nhất, tới mọi cá nhân, tổ chức kinh doanh tại Việt Nam, cả trực tiếp và gián tiếp./.

Phạm Văn Định

Tin liên quan