x

 

vnr500

BẢNG XẾP HẠNG NĂM 2018
VNR500

CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG SẢN APROMACO

xếp thứ 156/500 Doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Chi tiết

 

Tiêu điểm

Xử lý sai phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón giả

Mỗi khi vào vụ sản xuất, nạn kinh doanh, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng lại gia tăng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân; làm nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón. Vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp sản xuất và bà con nông dân là cần phối hợp, ngăn chặn tận gốc nạn phân bón giả, kém chất lượng, nhập lậu.

Nhức nhối phân bón giả, kém chất lượng

Hiện nay, các loại phân bón nhập lậu, giả, kém chất lượng chủ yếu là phân u-rê, ka-li và NPK. Trong đó, hành vi vi phạm phổ biến là thiếu hàm lượng các chất dinh dưỡng trong phân bón so với tiêu chuẩn công bố. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch HÐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông sản Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Do việc xác định chất lượng NPK, nhất là loại một hạt cần phải có máy móc để phân tích xác định, cho nên một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lợi dụng kẽ hở này để làm giả hoặc ăn bớt hàm lượng tiêu chuẩn trong phân bón nhằm hạ thấp giá thành nhưng trên bao bì vẫn ghi đủ hàm lượng theo quy định nhằm thu lời bất chính. Nhiều trường hợp còn trắng trợn trộn bùn, bột đá, chất phụ gia vo viên đóng giả phân bón NPK, DAP để bán ra thị trường… Thí dụ như phân NPK 16-16-8, quy định hàm lượng ni-tơ trong loại phân bón này cần đạt ít nhất 16%; P2O5 cần đạt ít nhất 16% và ka-li cần đạt ít nhất 8%, nhưng thực tế trên thị trường nhiều loại phân bón NPK 16-16-8 có làm lượng thấp hơn so với tiêu chuẩn quy định. Nếu các loại phân bón đủ hàm lượng được bán với giá khoảng 11.000 – 12.000 đồng/kg, thì phân bón giả, kém chất lượng bán rẻ hơn từ một nghìn đến bốn nghìn đồng/kg. Ðiển hình là gần đây nhất xảy ra vụ làm phân bón NPK giả của Công ty cổ phần Ðầu tư khoa học kỹ thuật và Công nghệ Việt Pháp tại Thanh Trì, Hà Nội. Số phân bón tổng hợp NPK thành phẩm giả bị phát hiện lên đến khoảng 60 tấn. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 800 kg ka-li, 400 kg đạm, 22 kg bột can-xi nhẹ (bột đá)… không có hóa đơn, chứng từ; nhiều bao bì còn giả mạo in tên các công ty phân bón nổi tiếng. Theo kết quả giám định mẫu tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì thành phần chính trong phân bón NPK của đơn vị này sản xuất là bột đá vôi. Các loại phân bón NPK có hàm lượng thấp có rất nhiều loại, loại nào cũng quảng cáo tốt, tăng năng suất cây trồng… khiến người nông dân không thể phân biệt; trong số đó, có nhiều loại chất lượng không tương xứng mẫu mã được in trên bao bì.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều trường hợp nhập lậu NPK, hàng kém chất lượng từ Trung Quốc về Việt Nam có mầu giống như thật, nhưng khi giám định thì chỉ có 0,27% là K2O (hàng thật K2O phải là ít nhất 60% K2O), thành phần chính của loại hàng này là cát nhuộm mầu đỏ. Một số hàng NPK giả thường nhái bao bì của nhà sản xuất Việt Nhật, Phi-li-pin; một số hàng kém chất lượng, giả thường nhái nhãn hiệu bao bì của các công ty nhập khẩu có uy tín lớn trên thị trường.

Việc phân bón nhập lậu, kém chất lượng đang hoành hành trên thị trường không chỉ gây tác hại cho cây trồng, tước đoạt mồ hôi, công sức của nông dân mà còn làm rối loạn thị trường, thiệt hại nghiêm trọng đến thương hiệu các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón khác. Năm 2012, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã tổng kiểm tra 13.320 vụ với 2.216 cơ sở kinh doanh phân bón thì có tới 387 vụ vi phạm, đã xử lý 2.462 tấn phân bón các loại. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường Ðỗ Thanh Lam cũng thừa nhận, hiện vẫn xảy ra các hành vi vi phạm về nhãn, mác; phân bón kém chất lượng hoặc kém chất lượng đến mức coi là giả; vi phạm về thực hiện quy định niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, về đăng ký kinh doanh; phân bón giả các nhãn hiệu nổi tiếng; vi phạm quy định về chế độ hóa đơn chứng từ và phân bón nhập lậu. Theo Cục Quản lý thị trường, công tác quản lý phân bón hiện nay đang gặp phải hàng loạt khó khăn như: Việc để phân biệt phân bón giả, kém chất lượng không thể nhận biết bằng mắt thường, phải kiểm định tại các tổ chức giám định được chỉ định nhưng kinh phí giám định còn thiếu, thời gian giám định kéo dài vì vậy không xử lý kịp thời; mức xử phạt thấp cho nên tính răn đe chưa cao, nhiều đối tượng vi phạm vẫn tái phạm. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng; kinh phí, phương tiện, trang thiết bị còn thiếu, lạc hậu trong khi các đối tượng vi phạm có nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi… Mặt khác, trình độ chuyên môn của cán bộ chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cần những giải pháp quyết liệt và đồng bộ

Dự báo, năm 2013, nguồn cung phân bón trong nước sẽ tăng lên đáng kể, nhất là u-rê, NPK và dự báo còn phải nhập 2,47 triệu tấn phân bón các loại. Hiện nay, sản xuất công nghiệp phân bón trong nước mới đáp ứng khoảng 78%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất đối với bà con nông dân vẫn là nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả chưa được triệt tiêu.

Ðể quản lý các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón một cách chặt chẽ, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý, sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón. Ðưa phân bón trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất, kinh doanh phân bón phải đáp ứng các yêu cầu về giấy phép, chứng minh khả năng tài chính, năng lực sản xuất, trang thiết bị, công nghệ, cơ sở nhà xưởng, điều kiện về môi trường… Ðáng chú ý, phải chịu trách nhiệm và thực hiện đầy đủ các quy định về chất lượng phân bóng do doanh nghiệp sản xuất. Ðây được xem là hành lang pháp lý quan trọng trong việc ổn định thị trường phân bón lâu dài, bền vững và tạo thuận lợi để xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế mở các đợt cao điểm truy quét phân bón giả, kém chất lượng trên toàn quốc. Một trong những biện pháp được đẩy mạnh, đó là tăng cường kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Khi phát hiện các đơn vị kinh doanh, sản xuất vi phạm sẽ xử phạt nặng như: đình chỉ sản xuất, công bố tên và hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, rút giấy phép kinh doanh, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, lực lượng hải quan, quản lý thị trường cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh phân bón, xử lý triệt để các hành vi vi phạm.

Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy cho biết: Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Ðể tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hiệp hội thường xuyên khuyến cáo bà con nông dân nên chọn mua phân bón của các công ty có thương hiệu, uy tín và tại các đại lý lớn để tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng.

Hy vọng với việc áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp nêu trên, quyền lợi chính đáng của bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính sẽ được bảo đảm trong thời gian tới.

TRẦN HẢO

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp, hành vi sản xuất, gia công phân bón giả. Ðặc biệt, nếu sản xuất, gia công phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật đến 40 triệu đồng thì mức xử phạt được đề xuất áp dụng là từ 60 đến 70 triệu đồng. Và mức xử phạt cao nhất được áp dụng đối với hành vi này là từ 120 đến 150 triệu đồng, áp dụng đối với hành vi sản xuất, gia công phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật từ 100 triệu đồng trở lên…

Theo Báo Nhân Dân

Tin liên quan